Những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu

Hoà Bình: Sập cầu Ngòi Móng trên tỉnh lộ 445 Cận cảnh sập cầu Ngòi Móng trên tỉnh lộ 445 ở Hoà Bình

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên cùng với sự chỉ đạo và các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và Bộ Công Thương, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Hòa Bình: Những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm (thứ 6 từ trái sang cùng các thành viên đoàn công tác của tỉnh đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ (Ảnh: SCT)

Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đây là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế, tạo niềm tin, động lực để các cấp, ngành chức năng và doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Không dấu nổi vui mừng, ông Phạm Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết: Tính đến hết tháng 6 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 969,607 triệu USD, tăng 26,48 % so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 685,517 triệu USD, tăng 17,93% so với cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện tử đạt 443,457 triệu USD chiếm 45,74%; nhóm dệt may đạt 317,195 triệu USD, chiếm 32,71%; nhóm hàng kim loại đạt 23,930 triệu USD, chiếm 2,47%; nhóm hàng nông sản đạt 7,878 triệu USD, chiếm 0,81%; nhóm hàng hóa khác đạt 177,147 triệu USD, chiếm 18,27% tổng kịm ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu cho thấy những dấu hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho hay: “Kết quả trên đã khẳng định quyết tâm rất lớn của tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu đã tích cực cải tiến mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm, tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu, chủ động biến thách thức thành thời cơ trong hoạt động xuất khẩu“.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thiết lập mối quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu với nhiều hoạt động như: tham gia chương trình Quảng bá địa phương tại Hòa Kỳ – Canada do cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức; Tổ chức đoàn công tác tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hà Lan – Đức; tham gia Đoàn xúc tiến thương mại – đầu tư tại Hoa Kỳ do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối với với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức…. Tỉnh tiếp tục thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu; Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường quốc tế; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và logistic, nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa…

Hòa Bình: Những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu
Nhóm dệt may đạt 317,195 triệu USD, chiếm 32,71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình trong 6 tháng đầu năm 2024 (Ảnh: SCT)

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 05 nhóm hàng: Nhóm hàng linh kiện điện tử (17 doanh nghiệp), nhóm dệt may (21 doanh nghiệp), nhóm hàng kim loại (02 doanh nghiệp), nhóm hàng nông sản (09 doanh nghiệp) và nhóm hàng hóa khác (17 doanh nghiệp).

Ngoài các sản phẩm truyền thống như linh kiện điện tử, dệt may các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đã mở rộng xuất khẩu thành công các mặt hàng nông sản đặc trưng thế mạnh của tỉnh sang các thị trường khó tính như: Mía và bưởi Diễn, bưởi đỏ sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU, Cháo sen Bát Bảo Minh Trung sang Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Nhãn Sơn Thủy sang EU, Măng sang Đài Loan (Trung Quốc), Cam Cao Phong sang thị trường Vương quốc Anh … qua đây đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn

Để duy trì và phát triển đà tăng trưởng này trong những tháng cuối năm 2024, với vai trò là đơn vị đầu mối chủ trì tham mưu cho tỉnh về hoạt động xuất nhập khẩu, ông Phạm Tiến Dũng khẳng định: Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào công tác nắm bắt tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường các giải pháp hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Triển khai xây dựng và ra mắt cuốn Cẩm nang hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu âu (EVFTA) áp dụng với mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình: Những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Tiến Dũng (áo trắng ở giữa) cùng các đại biểu dự lễ xuất khẩu sản phẩm Cháo sen bát bảo Minh Chung sang Cộng hòa Séc (Ảnh: SCT)

Chúng tôi sẽ kịp thời phổ biến những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề mới như Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, triển khai các Hiệp định thương mại trên địa bàn tỉnh, các quy tắc, quy định mới khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, …bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế.“- ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 là “trái ngọt” cho hành trình nỗ lực của ngành Công Thương Hòa Bình trong thực hiện công tác tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế tồn tại như: Các Hiệp định được ký kết theo đó các yêu cầu, quy định của các quốc gia ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các mặt hàng. Công tác thông tin tuyên truyền kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đã được quan tâm xong mức độ còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục; hình thức, cách thức tuyên truyền chưa được đổi mới hiệu quả chưa cao. Trình độ tay nghề của người lao động còn chưa đồng đều, ý thức kỷ luật lao động chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của doanh nghiệp FDI“- ông Dũng cho hay.

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng thì chính những người sản xuất và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… để hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực sự bền vững.



Source link