Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt 160,5 nghìn tấn, trị giá 823,9 triệu USD, tăng 67,0% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho Trung Quốc. Ảnh: N.H |
7 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu cà phê vào Trung Quốc đạt mức 5.133 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Brazil, Colombia, Malaysia giảm; Ngược lại, giá bình quân nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh 29,7% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 4.925 USD/tấn.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu cà phê chưa rang xay, chưa loại bỏ caffein (mã HS 090111), tỷ trọng chiếm 79,8% tổng lượng, đạt 128,1 nghìn tấn, trị giá 547,4 triệu USD, tăng 110,0% về lượng và tăng 102,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu cà phê tan, chiết xuất, tinh chất và tinh chế (mã HS 210111) đạt 7,3 nghìn tấn, trị giá 103,2 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung cà phê chủ yếu cho thị trường Trung Quốc gồm: Brazil, Colombia, Việt Nam, Malaysia, Ethiopia.
Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024, lượng đạt 59,5 nghìn tấn, trị giá 220,3 triệu USD, tăng 162,6% về lượng và tăng 148,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 23,6% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức 37,1% trong 7 tháng đầu năm 2024. Tiếp theo là Colombia, trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ nguồn cung lớn thứ 2 này đạt 31,7 nghìn tấn, trị giá 152,1 triệu USD, tăng 333,7% về lượng và tăng 222,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần cà phê của Colombia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 7,6% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức 19,7% trong 7 tháng đầu năm 2024. Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024, đạt 24,3 nghìn tấn, trị giá 119,7 triệu USD, tăng 13,0% về lượng và tăng 46,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ mức 22,4% trong 7 tháng đầu năm 2023 xuống 15,1% trong 7 tháng đầu năm 2024. Trung Quốc là một trong những thị trường cà phê phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới khi người tiêu dùng cà phê ở quốc gia này tiếp tục tăng.
Theo https://www.giiresearch.com, quy mô thị trường cà phê Trung Quốc ước tính đạt 2,1 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2029, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 1,90% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Đình Hà – Giám đốc Công ty XNK Coffee and Tea Việt Nam – thông tin, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chuyển dần từ văn hóa uống trà sang cà phê. Để nắm bắt cơ hội thị trường, tới đây, doanh nghiệp sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt – Trung (tại Đông Hưng, Trung Quốc) để xây dựng kho và mở quán cà phê tại đây, cùng nhau phối hợp để bán sản phẩm của Việt Nam.
“Người tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu uống trà, nhưng giới trẻ bắt đầu chuyển đổi sang dùng cà phê. Sự chuyển đổi này cùng với những yêu cầu về chất lượng cao hơn. Cùng với cà phê hòa tan, cà phê nguyên chất từ hạt rang đang được tăng lên rất nhiều, nhất là các túi cà phê phin giấy”, ông Đặng Đình Hà chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhận định, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu của giới trẻ, cùng với sự gia tăng trong thương mại điện tử bán lẻ. Cà phê hòa tan là một trong những chủng loại được tiêu dùng phổ biến do sự tiện lợi.
Để gia tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.