Xuất nhập khẩu hàng hoá 8 tháng đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 hy vọng duy trì mức tăng trưởng 2 con số |
Tăng trưởng xuất khẩu ở cả thị trường và mặt hàng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 8/2024 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 265,44 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý có 10 nhóm hàng tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và đưa kim ngạch xuất khẩu tăng thêm tới 29,72 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 81,5% mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm (Ảnh: Đức Duy) |
Về thị trường xuất khẩu, cập nhật hết tháng 8, 10 thị trường lớn nhất đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, có 6 thị trường tăng từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ đạt 78,2 tỷ USD, tăng 16,08 tỷ USD; EU đạt 34,08 tỷ USD, tăng 5,08 tỷ USD; Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD; ASEAN đạt 24,45 tỷ USD, tăng 2,84 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 16,83 tỷ USD, tăng 1,3 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,27 tỷ USD.
Dệt may là một trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho biết, sau 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 28,6 tỷ USD, tăng trưởng gần 7,2% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 4,66 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Với đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm nay, đạt được mục tiêu cao đặt ra từ đầu năm của toàn ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam – thông tin, 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng, với mức tăng hơn 10%, nhiều thị trường đang hồi phục. Với tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được tăng trưởng tốt do bối cảnh quốc tế và trong nước đã tiến triển tích cực hơn. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất sau một thời gian dài.
Bên cạnh đó, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Còn trong nước, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.
Với thị trường Hoa Kỳ, mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất và tuyên bố sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất đến năm 2026. TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – nhận định, việc đảo chiều chính sách tiền tệ của FED chính là cơ hội tốt cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam. “Khi FED giảm lãi suất sẽ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, làm tăng nhu cầu cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Phân tích kỹ hơn về việc này, TS. Cấn Văn Lực cho hay, FED giảm lãi suất sẽ góp phần giúp mặt bằng lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang “nối gót” FED tiếp tục giảm lãi suất, từ đó kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, châu Âu là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, việc tỷ giá ngoại tệ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tỷ giá đã giảm, không tăng mạnh như thời gian trước, điều này thường có nghĩa là đồng nội tệ mạnh lên và giá trị đồng ngoại tệ giảm. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Bởi giá trị đồng ngoại tệ ở nước ngoài vẫn cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều các doanh nghiệp FDI, nên mối quan hệ giữa tỷ giá và ngoại thương cần được xem xét kỹ lưỡng.
Với ngành da giày, xu hướng phục hồi đang dần xuất hiện. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu vẫn chưa thực sự mạnh, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Chi phí đầu vào và nhân công đều tăng, trong khi chi phí nhân công chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Nếu chi phí tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ khó có lãi.
Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để đầu tư vào công nghệ mới, nên họ phải tái cấu trúc và tối ưu hóa chi phí để tiếp tục nhận đơn hàng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, hoạt động xuất khẩu đang là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Với mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua ước trên đạt 413 tỷ USD thì mục tiêu tăng 6% của cả năm gần như chắc chắn đạt được.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, ông Đinh Trọng Thịnh đề nghị ngành Công Thương phải đặt trọng tâm vào việc thực thi, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA); ưu tiên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài; những điều kiện, yêu cầu, những thay đổi của thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu… Từ đó, kết hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu để có được đơn hàng không chỉ trong quý I/2025 mà cho cả năm.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước phải tự đứng trên hai chân của mình. Vừa sản xuất ra những sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế, nhưng vẫn chiếm lĩnh được thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải cho hay, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra các khu vực thị trường mới, giảm rủi ro của việc phụ thuộc lớn vào một số thị trường.