Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến

Ngày 26/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt”.

Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử.

53% DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU QUA SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Tổng quan thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho thấy 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử; 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây; 60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30% tổng số xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.

Trong đó, thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động xuất khẩu là Hàn Quốc (chiếm 45%); Nhật Bản chiếm 40%; Trung Quốc chiếm 38%. “Các doanh nghiệp đều ghi nhận thương mại điện tử là phương thức hữu hiệu để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong thời gian qua”, bà Oanh nhấn mạnh.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại diễn đàn
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại diễn đàn

Riêng số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Số lượng trung bình nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam đã tăng  55%. Số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng này tăng 24%.

Bà Oanh nhìn nhận, thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số chỉ trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường, từ đó cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn.

Đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới giúp sản phẩm thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ. Xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác.

XÂY DỰNG LUẬT CHUYÊN NGÀNH CHO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Bên cạnh những lợi ích kinh tế số mang lại, bà Oanh thừa nhận, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đơn cử như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…

Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu, bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài qua thương mại điện tử… cũng là những thách thức với doanh nghiệp.

Gian hàng trưng bày tại diễn đàn. 
Gian hàng trưng bày tại diễn đàn. 

Cùng với đó, cần phải giữ chi phí logistics thấp và giao hàng đúng hạn – là áp lực lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Khó khăn trong việc nắm vững quy định pháp luật của thị trường đích; rào cản ngôn ngữ; yêu cầu cung cấp dịch vụ khách hàng real-time (thời gian thực).

Hơn nữa, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Để “giải mã” những thách thức này, theo bà Oanh cần hoàn thiện khung khổ pháp lý như: Xây dựng luật chuyên ngành cho thương mại điện tử, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Đồng thời, tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh; kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong năm 2024, Bộ Công Thương phải hoàn thiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Quốc gia 2026-2030, tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đối với doanh nghiệp, bà Oanh khuyến nghị doanh nghiệp tham gia vào các sàn thương mại điện tử có uy tín, có sẵn, nhằm tận dụng tiềm năng của sàn mà không phải đầu tư quá nhiều vào hạ tầng, công nghệ, nhân lực… trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, cần nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, quy định nước nhập khẩu; đầu tư cho thương hiệu sản phẩm tại nước sở tại.

“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái phát triển xuất khẩu trực tuyến, không chỉ liên quan tới đào tạo, tập huấn, kết nối dữ liệu, mà bao gồm cả những dịch vụ logistics, thanh toán, ngân hàng…”, bà Oanh thông tin.

Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.


Source link