Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với 2024

Năm 2024 sẽ là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ: Khuyến nghị từ các chuyên gia

Xuất khẩu hàng hóa điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Theo Báo cáo số 9950/BCT-KHTC ngày 6/12/2024 của Bộ Công Thương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm trước
Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm trước. Ảnh: M.H

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.

“Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,8%, cao gần gấp 3 lần so với mục tiêu kế hoạch do Chính phủ giao trong năm 2024 (6%); cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao, khoảng 23,31 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu do Chính phủ giao trong năm 2024 (khoảng 15 tỷ USD)” – báo cáo nêu rõ.

Đây là kết quả của việc triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách xuất nhập khẩu. Thứ nhất, nghiên cứu các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tận dụng các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; theo dõi sát tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp.

Thứ hai, chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về thương mại biên giới, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại biên giới; đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn;…

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được,…

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi khi tham gia các chương trình, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối với các đối tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các đối tác, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa…

Phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai các chiến lược phát triển các khu vực thị trường tới năm 2030, theo đó đồng bộ thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, tận dụng FTA đã ký kết, cũng như các khung khổ hợp tác sẵn có để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và kênh phân phối; tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới cho các ngành công nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.

Tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%

Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.

Sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng, đơn hàng xuất khẩu,… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan. Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu với lợi thế về thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng còn đối diện với một số khó khăn thách thức. Theo đó, năm 2025, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nếu những chính sách mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có hiệu lực, dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nước ta.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và khuyến nghị đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi, từ đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA. Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.



Source link