Xuất khẩu cao su sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng khả quan Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu |
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD, tăng 23,9%; ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%. Với mức thực hiện này, đưa tổng kim ngạch 2 chiều Việt Nam – Hoa Kỳ xấp xỉ 123 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu 95,4 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD |
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho hay, hiện Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Một số mặt hàng trong Top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt (trên 20%) là: đồ gỗ nội thất; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực; giày dép; cao su và sản phẩm cao su; nhựa và sản phẩm nhựa; sắt và thép.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng cao (trên 20%) là: máy móc, thiết bị điện tử; thức ăn gia súc, phế phẩm thực phẩm; nhựa và sản phẩm nhựa; quả và quả hạch ăn được; thịt. Với tốc độ trao đổi hàng hóa như hiện nay, năm 2024, dự kiến thương mại Việt – Hoa Kỳ sẽ vượt con số 134 tỷ USD.
11 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD. Như vậy, tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD. Điều này cho thấy Hoa Kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – đánh giá, thị trường Hoa Kỳ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong tương lai.
Trung Quốc, Mexico và Việt Nam lần lượt là 3 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra mức thuế 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15 – 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Với sự thay đổi chính sách sắp tới của thị trường Hoa Kỳ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt khâu nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam có thể chịu các tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
Nhận định khả năng gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ của ngành gỗ Việt còn khá lớn, tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du – Giảng viên, quản lý Chương trình chính sách công và môi trường, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) – cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt tránh trường hợp bị áp thuế cao hơn các nước còn lại ngoài Trung Quốc. Ngành gỗ cần chú ý đảm bảo các vấn đề về nguồn gốc gỗ hợp pháp, bảo đảm môi trường. Doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách của Hoa Kỳ, tăng cường đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Vẫn có chút nghi ngại về rủi ro khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, khi tỷ phú này sẽ đánh thuế cao đối với thương mại toàn cầu nói chung và đặc biệt là những chính sách đối với Trung Quốc” – TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – nhận định và cho hay, từ nửa cuối năm 2025, nếu ông Donald Trump thực hiện đúng những lời hứa về thắt chặt thương mại, đầu tư, để đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy hiện tượng các dòng vốn ngoại, nhất là các dòng vốn gián tiếp bắt đầu thoái lui để trở về Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, các dòng thương mại cộng với các dòng đầu tư liệu có thể tiếp tục lan tỏa để phòng ngừa rủi ro thương mại sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam hay không, việc này vẫn phải tính toán?
Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Việt Nam vẫn bị đe dọa trong việc đưa vào tầm ngắm để tránh các nhà sản xuất, hoặc là xuất khẩu liên quan đến căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc. Trên thực tế, chúng ta đã có một số mặt hàng bị đưa vào tầm ngắm, nên khả năng tăng trưởng của các mặt hàng công nghệ, trong đó có một số mặt hàng liên quan đến sản phẩm năng lượng mới như pin mặt trời không phải dễ để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ được nữa.
Và những khuyến nghị cho các doanh nghiệp
Nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Tuy vậy, ông Đỗ Ngọc cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Các ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp … phục vụ nhu cầu tiêu dùng vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các ngành hàng khác cũng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý khả năng các vụ kiện có thể xảy ra” – ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý.
TS. Nguyễn Mạnh Quyền – Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Texas (Hoa Kỳ) – khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý những cơ chế chính sách thay đổi trong thời gian tới, trong đó, nắm bắt lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh tại những thị trường quan trọng hàng đầu của hàng Việt như Hoa Kỳ.
Với ngành gỗ Việt Nam, theo TS. Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, cần đẩy mạnh hợp tác và đối thoại, cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, ngành gỗ cần nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi, và đồ nội thất gỗ khác để đáp ứng xu hướng thị trường. Chuẩn bị cho rủi ro thương mại, các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro.