Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với 2024 11 tháng, xuất khẩu ghi nhận mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN |
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 2 con số
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2024 cho hay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh. M.H |
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Điều đó cho thấy, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI (20% so với 12,4%) và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28% so với 26,8%) là những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công – cho hay, trong năm 2024, ngành dệt may dự kiến có nhiều khởi sắc, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái.
Dù vậy, đà tăng này chưa thực sự bứt phá, bởi năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt mức thấp. Mức tăng của năm 2024 chỉ đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trở lại mức tương đương năm 2022.
Dự báo đến năm 2025, tăng trưởng của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 10%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47-48 tỷ USD. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng với các thay đổi trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây cho thấy, trên lý thuyết, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng.
“Hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Khi Hoa Kỳ áp thuế cao hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn”, ông Trần Như Tùng nói.
Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex – thông tin, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu, với nhiều ngành giữ vị trí hàng đầu như hồ tiêu, cà phê và gạo. Tập đoàn Intimex mỗi năm xuất khẩu nông sản từ 1,3 – 1,6 tỷ USD.
Trước đây, nhắc đến lúa gạo là nghĩ đến nông dân nghèo. Vài năm trước, nông dân chỉ mơ ước bán lúa tươi được 4.000 đồng/kg, nay đã lên tới 8.000 đồng/kg. Diện tích và năng suất lúa không tăng, nhưng xuất khẩu năm nay có thể đạt kỷ lục 9 triệu tấn. Nông dân Việt Nam hiện trồng lúa theo nhu cầu thị trường.
Với ngành cà phê, hiện nay, giá cà phê Robusta chưa bao giờ cao như bây giờ. Nguyên nhân là do cả thế giới sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam. Năm nay, nông dân Việt Nam điều tiết thị trường, doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ. “Trong năm 2024, giá cà phê tiếp tục tăng, có lúc cao điểm lên tới 130.000 đồng/kg, trong khi giá thành chưa tới 40.000 đồng/kg. Nông dân Đắk Lắk hiện rất giàu có”, ông Đỗ Hà Nam thông tin.
Nhận định bức tranh xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – thông tin, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, xuất khẩu tăng khoảng 14 – 15% so với năm ngoái. Trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản chiếm khoảng 77% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu năm nay đều ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tương đối tốt, khoảng hơn 23%; vào EU và các nước khác cũng tích cực.
Cần nâng cao nội lực của doanh nghiệp trong nước
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn những tồn tại. TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – nhìn nhận, chúng ta tự hào về kim ngạch xuất khẩu cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, di động, chip bán dẫn… Tuy nhiên, giá trị mà Việt Nam thực sự thu về còn rất khiêm tốn.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ có giá trị rất lớn nhưng phần Việt Nam hưởng lợi lại rất nhỏ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chip bán dẫn sản xuất tại Việt Nam, chúng ta chủ yếu tham gia vào khâu đóng gói với giá trị chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng giá trị. Điện thoại di động cũng tương tự. Điều này cho thấy, tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách.
Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ – thông tin, khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam. “Ông bày tỏ quan điểm muốn xem xét thuế công bằng với các đối tác, muốn giảm thâm hụt thương mại về phía Hoa Kỳ. Dự báo, chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ dịch chuyển khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách, Việt Nam có thể có lợi từ sự dịch chuyển này”, ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico khiến Hoa Kỳ thâm hụt thương mại nên sẽ bị chú ý vấn đề cấp bách là phải hướng đến cân bằng thương mại. Việt Nam có thể tăng nhập nguyên liệu gỗ, hóa chất, công nghệ cao.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hưng, sắp tới, Hoa Kỳ có thể tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nên các doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, cần giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch áp thuế hàng hóa nhập khẩu 10%, nếu áp dụng đều thì không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, một số nước đang sử dụng các công ty luật am hiểu về “lobby chính sách” để có thể vận động chính sách, phòng ngừa rủi ro chính sách từ xa.
Để doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu, ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng lớn như: Xu hướng phát triển kép “xanh hóa và số hóa”, tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Malaysia…
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, về phía Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đồng thời, theo dõi sát, đánh giá kịp thời, đầy đủ những tác động do thay đổi chính sách của Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1/2025 để ứng phó kịp thời, phù hợp.