Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển Năm 2024, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản bứt phá ngoạn mục |
Tác động đến chi phí của doanh nghiệp Việt
Theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam dự báo chịu tác động bởi Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm, nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất.
Dệt may, da giày là một trong những nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu. Ảnh: ST |
Thỏa thuận Xanh châu Âu là chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, được thông qua từ ngày 15/1/2020. Theo đó, từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2023, EU đã đưa ra 58 hành động, chính sách xanh, hoặc dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào EU.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, một số chính sách tại Thỏa thuận Xanh châu Âu tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU, bao gồm: Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn và Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
Trong đó, CBAM là một cơ chế được EU đưa ra nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào EU. CBAM đặt ra một giới hạn về lượng carbon mà các sản phẩm phải tuân thủ để được phép nhập khẩu vào EU, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp ngoại vi khu vực EU để giảm xuất nhập khẩu trong quá trình sản xuất hoặc trả thuế carbon cho các sản phẩm của họ.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Minh Thảo, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm và những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhập khẩu bên ngoài EU đều chịu ảnh hưởng bởi CBAM, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực xây dựng và máy móc, nhà sản xuất ô tô, đường sắt và thiết bị cũng như hóa chất và nông nghiệp.
CBAM cũng áp dụng theo từng giai đoạn, đầu tiên cơ chế này sẽ chỉ áp dụng với những mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ rò rỉ carbon cao như: Phân bón, xi măng, điện, hydro, sắt, thép, nhôm và các hàng hóa cơ bản được sản xuất từ những vật liệu này. Ngoài lượng phát thải trực tiếp, việc tính toán lượng phát thải liên quan của sản phẩm trong phạm vi CBAM cũng phải đưa vào “phát thải gián tiếp”. Ngoài ra, CBAM sẽ được mở rộng cho tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi giao dịch phát thải của EU vào năm 2030. Lượng tín chỉ CO2 miễn phí được cấp sẽ giảm dần vào cuối năm 2034, thay vào đó các doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền ra mua nếu mặt hàng của họ phát thải nhiều hơn.
Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan là nhóm hàng chịu tác động bởi Thoả thuận Xanh châu Âu. Ảnh: ST |
Những cơ hội mới từ thách thức
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, EU là lục địa đầu tiên thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu, cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, cùng với EU, một số quốc gia khác cũng bắt đầu làm theo kinh nghiệm này. Ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ… theo đó, sản xuất xanh đang là lựa chọn bắt buộc, là mệnh lệnh thị trường mà doanh nghiệp phải thực hiện.
Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 11 về hàng hóa vào EU, nên nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách xanh từ EU. Trong đó, việc EU áp dụng CBAM trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: Thép, nhôm, xi măng, phân bón. Giai đoạn 2017-2021, tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường EU là khoảng 1,1 tỷ USD/năm, nhôm 48 triệu USD/năm. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắt thép của EU từ Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, trong đó nhôm đạt khoảng 65,18 triệu USD.
Nông sản, thực phẩm, dệt may là các nhóm sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu mang lại giá trị cao ở thị trường EU, đồng thời cũng là lĩnh vực tập trung nhiều chính sách xanh của EU. Các chính sách xanh của EU đối với các nhóm sản phẩm này được đánh giá là phức tạp và thách thức do 3 lý do: Thứ nhất, có phạm vi áp dụng bao trùm tất cả các sản phẩm nông sản thực phẩm và dệt may (mà không phải chỉ một số loại cụ thể trong các nhóm này); Thứ hai, được luật hóa dưới dạng các yêu cầu pháp lý tối thiểu, bắt buộc thực hiện (mà không phải là các khuyến nghị khuyến khích thực hiện); Thứ ba, bao gồm các tiêu chuẩn, biện pháp, quy định tác động đến nhiều khâu trong chuỗi sản xuất (từ thiết kế mẫu mã đến nguyên phụ liệu, từ sản xuất, nuôi trồng đến vận chuyển, từ sử dụng đến sửa chữa, từ thải bỏ đến tái chế…) mà không phải chỉ áp dụng với thành phẩm cuối cùng.
Mặc dù có những thách thức, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Thỏa thuận Xanh châu Âu cũng tạo ra cơ hội đối với hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam. Cụ thể, để đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu, doanh nghiệp buộc phải sử dụng công nghệ sạch, đây sẽ mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam. Gia tăng cơ hội ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.