Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm An toàn thực phẩm, cần bắt đầu từ chính người tiêu dùng |
Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 – Kỷ lục mới, vị thế mới” do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 19/12.
Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: S.T |
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, để xuất khẩu được nông – lâm – thủy sản Việt không chỉ dựa vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được quy định của các thị trường. Có sản phẩm, chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực của nhiều đơn vị để đạt được các quy định của thị trường mới mở cửa, xuất khẩu được sản phẩm.
Hầu hết thành viên của WTO cũng như thị trường khác đưa ra nhiều quy định trong nhập khẩu sản phẩm. Không phải quy định nào cũng nghiêm ngặt, cũng có những nước cũng nới lỏng quy định… Nhưng làm sao để nông – lâm – thủy sản Việt tiếp cận được các quy định về an toàn thực phẩm, đây là điều bắt buộc.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm. Như vậy, bình quân 1 ngày, Văn phòng SPS Việt Nam phải nhận 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang. Ví dụ, trong tháng 11/2024, Nhật Bản có tới 10 thông báo về thuốc bảo vệ thực vật, có loại thuốc giảm hoạt chất đến 10 lần. Trong tổng số thông báo này, chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà chúng ta đang có giao dịch như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.
Dù thay đổi thị trường như vậy nhưng với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, hầu hết các doanh nghiệp, nông dân đều đáp ứng được, chỉ có một số ít còn chưa tiếp cận, chưa nhận thức hết được nhưng đây là “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta cần phải tuyên truyền, tiếp tục vận động và yêu cầu các trường hợp này thay đổi để đáp ứng được các quy định trong sản xuất, xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho hay, khi các thị trường hàm ý có sự thay đổi, hầu hết đều có sự tác động tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, sau 20 năm ngành thuỷ sản hội nhập, sự thay đổi đáng kể nhất là các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, sau đó là trách nhiệm với môi trường, xã hội. Để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc phải tuân thủ, hiện nay, nhiều thị trường yêu cầu thêm các chứng nhận bền vững, các yêu cầu này được đưa ra từ chính những nhà mua hàng. Ví dụ, nhà mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC…
Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam; các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm. Cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng cũng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, thay đổi và thích ứng, nhất là vấn đề về phát triển bền vững.
“Trong tương lai, những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe. Song nếu có sự chuẩn bị, tôi tin rằng, doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt” – ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Dưới góc độ cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi biện pháp SPS của các nước nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam đánh giá, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều đã có các bộ phận kỹ thuật rất chuyên nghiệp để nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi thị trường.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ, việc này vẫn đang gặp khó khăn, do đó, nguy cơ vi phạm cao khi chưa đáp ứng kịp với các thay đổi của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp, thực tế hiện nay, để nhóm các doanh nghiệp này tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường cũng đang là vấn đề khá khó khăn. Văn phòng SPS Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các Cục, từ vài năm trở lại đây mới chuyển giao thông tin được đến 63 tỉnh, thành phố nhưng đến được với các doanh nghiệp cũng là vấn đề.
“Thông thường, các quy định SPS vẫn lấy ý kiến trong 60 ngày mới cấm. Trừ những gì nguy cấp mới cấm ngay, chúng ta có thời gian để chuyển đổi, nhưng phải có cơ chế tiếp cận tốt mới làm được”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ và cho hay, để đáp ứng các quy định SPS về các chất phụ gia, chất cấm, câu chuyện liên kết rất quan trọng. Bởi nếu không có vùng nguyên liệu tốt, có thể 1 lô vi phạm sẽ ảnh hưởng cả 1 lô hàng lớn của doanh nghiệp.