Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ USD Đâu là lý do khiến xuất khẩu thủy sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD?

Xuất khẩu thủy sản năm 2024 dự kiến sẽ thu về 10 tỷ USD, tăng trưởng 13% so với năm 2023. Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, năm 2024, xuất khẩu thủy sản đến từ 2 điểm nhấn, đó là sản phẩm từ nuôi trồng và sản phẩm khai thác.

Ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD
Ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD

Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp và địa phương đã tập trung mở cửa thị trường, trong đó, VASEP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để mở thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu… Điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu. Trong đó, những sản phẩm đang chiếm ưu thế đó là tôm khi giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với 2023.

Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Theo đó, xuất khẩu cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023 và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ cũng đã tận dụng rất tốt hạn ngạch 11.500 tấn/năm từ thị trường châu Âu.

Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó, nhuyễn thể có vỏ đạt mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.

Không chỉ có các sản phẩm chủ lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, với thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá.

Về thị trường, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Hoa Kỳ có thể áp dụng các mức thuế mới. Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11/2024, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù vậy, ngành thủy sản vẫn đang đối diện với các rào cản thương mại. Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh với Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đang chờ thêm kết quả của DOC. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, chính bởi cạnh tranh toàn cầu sẽ là động lực để doanh nghiệp thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định mới của các thị trường.

Trên cơ sở thắng lợi của năm 2024, các chuyên gia nhận định triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan. “Với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự đồng hành với địa phương, nhà nước, sẽ mở cửa thị trường, cùng nhau tháo rào cản… phù hợp, hiệu quả hơn, các cơ hội từ thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2025 đạt trên 10 tỷ USD, tăng trưởng từ 10 – 15% so với năm 2024” – ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Tất nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn đối diện với cả những bài toán không dễ. Đơn cử, liên quan đến lĩnh vực khai thác biển, hiện nay, các cấp ngành địa phương đều tập trung thực hiện quy định về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), doanh nghiệp là khâu cuối mua hàng để xuất khẩu sang thị trường EU nhưng khả năng tiếp cận đầy đủ thông tin còn bất cập. Tương tự, ngành hàng cá ngừ mấy năm trước chỉ loanh quanh 600 – 700 triệu USD nhưng năm nay tiệm cận 1 tỷ USD. Nhưng điểm nghẽn của ngành hàng này hiện nay nằm ở Nghị định 37/2024/NĐ-CP, trong đó, quy định với cá ngừ vằn được phép khai thác phải từ 0,5m trở lên.

Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá kích thước quá nhỏ, tuy nhiên thực cá có kích thước trên 0,5m chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong 1 mẻ lưới. Khi không đủ kích thước quy định, doanh nghiệp sẽ không mua, ngư dân sẽ không bán được cá. Các nước có nghề khai thác cá ngừ cũng chỉ quy định mùa vụ khai thác chứ không quy định kích thước. Do đó, VASEP rất mong muốn sửa đổi quy định ở Nghị định này để tạo động lực cho ngư dân bám biển khai thác, tăng sản lượng.

Tiếp đó với mặt hàng tôm, cá tra, hiện đang bị cạnh tranh rất quyết liệt bởi các thị trường Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… Chỉ riêng hai mặt hàng này thôi đã đem về cho Việt Nam hàng tỷ USD. Để duy trì được vị thế trên thị trường hay không nằm ở vấn đề nguyên liệu. Vậy làm sao người dân nuôi cá, nuôi tôm có thể tiếp cận được nguồn vốn để duy trì sản xuất; có được con giống có chất lượng tốt nhằm góp phần giảm giá thành?

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, rất mong có sự hỗ trợ của tín dụng, quy hoạch nuôi trồng, đẩy mạnh khâu sản xuất giống… nhằm giúp nông dân và ngư dân có động lực để duy trì sản xuất, góp phần rất quan trọng cung cấp nguyên liệu vào xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.



Source link