Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024?

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 12/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 747,13 tỷ USD tăng 14,7% (tương ứng tăng 95,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, dù chưa kết thúc năm 2024 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã chính thức xác lập kỷ lục mới (kỷ lục trước đây đạt hơn 730 tỷ USD vào năm 2022). Với kết quả trên và tốc độ tăng trưởng gần đây, Tổng cục Hải quan ước tính quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt khoảng 782 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu 2024 xuất sắc vượt đích. (Ảnh: M.H)
Xuất nhập khẩu 2024 xuất sắc vượt đích. (Ảnh: M.H)

Kết quả này có được là do ngay từ những ngày đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam đã có bước khởi sắc. Thay vì chậm trễ thì các doanh nghiệp đã tìm được những đơn hàng để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu ngày từ đầu năm.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã có những hoạt động đẩy mạnh đầu tư trong việc thay đổi công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu của các thị trường, từ đó, đẩy mạnh hoạt động ký kết các đơn hàng, trên cơ sở này đã góp phần đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt con số xấp xỉ 800 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Công Thương đã đặt ra. Và trong bức tranh xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ghi nhận mức tăng thêm chưa nhiều, từ con số 25-26% thì nay tăng lên khoảng 27-28%, nhưng đây cũng là điều đáng trân quý. Bởi lẽ, hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ giá trị cao thông thường các doanh nghiệp có vốn FDI sẽ có năng lực xuất khẩu tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam, giá trị hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu cũng nhiều hơn.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mức mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra. Nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn và chính thức theo con đường chính ngạch, đáp ứng yêu cầu của việc ổn định xuất khẩu lâu dài của nền kinh tế.

Trong bức tranh xuất khẩu chung, nông lâm thủy sản cũng là điểm sáng khi thu về khoảng 62 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra, ông bình luận như thế nào về việc này?

Thực tế, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có tiềm năng rất lớn do Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, nhiều sản phẩm mang tính đặc thù mà các quốc gia khác không có. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua, việc triển khai công tác xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chưa được bài bản, hoạt động sản xuất cũng chưa chuẩn chỉnh, do vậy, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của chúng ta chưa được như mong muốn.

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 xác lập kỷ lục mới
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, rút kinh nghiệm từ thực tế xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch và phi chính thức có nhiều rủi ro, vì vậy, các bộ, ban, ngành doanh nghiệp cũng đã có những chú ý nhiều hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu theo con đường chính ngạch với mặt hàng nông lâm thủy sản.

Nhiều thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường của họ dưới sự công nhận chất lượng cũng như đáp ứng các yêu cầu về phẩm cấp hàng hóa, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh,…

Có thể khẳng định, hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, rau, hoa, quả đã có những bước tiến vững chắc trong thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2024, từ đó, góp phần cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng một cách mạnh mẽ và đạt được kết quả ngoạn mục.

Năm ngoái, câu chuyện ngành dệt may chúng ta nói đến rất nhiều khi bị mất đơn hàng “vào tay” Bangladesh. Nhưng khả năng phục hồi, lấy lại đơn hàng của các doanh nghiệp ngành dệt may cũng rất nhanh khi năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Ông bình luận gì về điều này?

Đối với sản phẩm dệt may, đây là một bài học cũng là quyết tâm đổi mới thích ứng với những điều kiện cụ thể. Năm 2023, chúng ta gặp khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực dệt may, đó là các doanh nghiệp của chúng ta thiếu đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường phát triển do việc Bangladesh là quốc gia chậm phát triển và được các quốc gia phát triển ưu tiên hơn trong việc thực hiện xanh hóa, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Trước bài học đó, ngay từ cuối năm 2023, khi chúng ta có nhận thức ra vấn đề, nhiều doanh nghiệp dệt may đã thực hiện xanh hóa hoạt động sản xuất, đổi mới quy trình, nhập các phương tiện, công cụ để đo lường kiểm định mức độ tiêu tốn carbon, từ đó, đáp ứng yêu cầu xanh hóa mà các thị trường phát triển đặt ra.

Trong năm 2023, 2024, lĩnh vực dệt may đã chi ra khoảng đâu đó 200 triệu USD để thực hiện các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của các thị trường về việc đảm bảo các tín chỉ carbon, xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ các sản phẩm dệt may.

Từ đó, chúng ta đã có được các đơn hàng để có thể xuất khẩu. Rõ ràng, đây là bài học rất đắt giá. Đó là, chúng ta phải nắm bắt ngay được yêu cầu của thị trường và phải nhanh chóng thay đổi mình để thích ứng các đòi hỏi của thị trường đang ngày càng hướng đến bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu dùng xanh cũng như các hoạt động xanh hóa trong điều kiện chung mà cả thế giới đang hướng đến.

Các doanh nghiệp Việt đã có những thích ứng một cách rất nhanh chóng và toàn diện để từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường, đây không chỉ là bài học của ngành dệt may mà còn là bài học chung cho tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Khi muốn tham gia sân chơi chung của cộng động quốc tế thì chúng ta phải tự hoàn thiện mình và đáp ứng được những yêu cầu cao nhất mà thị trường đặt ra. Có như vậy, chúng ta mới có thể tránh được tình trạng thiếu hợp đồng xuất khẩu trong ngành dệt may trong những năm vừa qua.

Năm nay là năm thứ 9, Việt Nam ghi nhận xuất siêu, ông đánh giá như thế nào về con số xuất siêu này đối với nền kinh tế Việt Nam?

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như là một lẽ tất yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu chúng ta không chủ động được nguồn nguyên nhiên vật liệu, không có kế hoạch để gia tăng nội địa hóa các sản phẩm, thì việc xuất khẩu của chúng ta nhiều khi trở thành xuất khẩu hộ.

Làm sao để tăng thêm giá trị của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, làm sao để có thể nội địa hóa được nguồn nguyên nhiên vật liệu, công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất, xuất khẩu thì khi đó hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam mới mang lại được hiệu quả thực tế.

Việc nhập khẩu giảm đi trong những năm gần đây cũng thể hiện xu hướng các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, ứng dụng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng như các điều kiện có liên quan đến nguồn nguyên liệu trong nước nhiều hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Từ đó làm cho cán cân thương mại được thực hiện một cách tương đối bền vững.

9 năm liên tục xuất siêu, trên cơ sở này, chúng ta hi vọng các doanh nghiệp, ngành nghề trong nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ đó, nâng cao được thặng dư thương mại, và tạo ra nguồn thu bền vững cho nền kinh tế quốc dân.

Thực ra, thặng dư chung mới quan trọng, rất may trong những năm gần đây, thâm hụt xuất khẩu dịch vụ giảm đi, đây là một điều tương đối tốt, rõ ràng Việt Nam đang là quốc gia có mức tăng trưởng rất nhanh về cán cân dịch vụ, hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu các dịch vụ cao cấp ra thị trường quốc tế.

Xin cám ơn ông!



Source link