Khơi thông thị trường ngoài nước
Xuất nhập khẩu tiếp tục là một trong những điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam khi liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hai con số trong năm 2024 và đang dần tiệm cận con số cao kỷ lục 800 tỷ USD. Con số này là kết quả của sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò chủ chốt.
Xác định tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; tiết kiệm nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), thời gian qua, Bộ Công Thương luôn tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông qua việc cấp C/O điện tử. Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, sau nỗ lực đàm phán với các nước đối tác để được công nhận giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) bản điện tử, ngày 1/1/2024, Việt Nam chính thức triển khai cấp C/O điện tử đối với 10 mẫu C/O ưu đãi bao gồm C/O mẫu AJ, mẫu AANZ, mẫu VJ, mẫu E, mẫu S, mẫu VC, mẫu CPTPP, mẫu AHK, mẫu VN-CU, mẫu RCEP.
Với việc triển khai 10 mẫu C/O nói trên, doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp C/O và Bộ Công Thương sẽ tiết kiệm chi phí in mẫu C/O, chi phí đi lại để nộp hồ sơ và nhận bản giấy C/O của hơn 600 nghìn bộ hồ sơ (số liệu cấp C/O trong 11 tháng năm 2024), chi phí vận chuyển và lưu trữ hồ sơ giấy.
Bộ Công Thương cũng liên tục đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu không còn phù hợp. Theo Văn bản số 6613/BCT-PC ngày 30/8/2024 về việc tham gia ý kiến dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2025, có 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm.
Hội nghị Tham tán thương mại và Trưởng cơ quan Thương vụ khu vực châu Á – châu Phi được Bộ Công Thương tổ chức (Ảnh: Nguyên Minh) |
Liên tục trong 3 năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban thương vụ hàng tháng nhằm cập nhật thông tin các thị trường một cách nhanh và chính xác nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn làm tốt công tác cảnh báo sớm phòng vệ thương mại, giúp nhiều ngành hàng tránh được hàng rào phòng vệ thương mại từ các nước sở tại. Mới đây, Hội nghị Tham tán thương mại và Trưởng cơ quan Thương vụ khu vực châu Á – châu Phi cũng được tổ chức nhằm khơi mở giải pháp từ các thương vụ, xúc tiến xuất khẩu sang khu vực thị trường này.
Hội nghị giao ban thương vụ là hoạt động thường xuyên của Bộ Công Thương (Ảnh: Ngọc Hoa) |
Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên, liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Bộ cũng làm việc với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương đánh giá vừa qua, Việt Nam đã ký FTA với UAE. Đây là quả ngọt, trong đó sự đóng góp rất lớn của Bộ Công Thương. Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và việc ký kết FTA dự kiến sẽ mang lại kết quả rất lớn cho thương mại của Việt Nam với UAE cũng như khu vực Trung Đông.
Gỡ khó cho khu vực cửa khẩu
Xác định kinh tế cửa khẩu là một thành tố quan trọng trong kinh tế các địa phương biên giới và cả nước, Bộ Công Thương luôn đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu với Trung Quốc.
Trong chuyến làm việc tại Lào Cai ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dành thời gian đến thị sát tại cửa khẩu Kim Thành – Lào Cai. Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi, nhất là ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa và khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc và xa hơn nữa là Đông Âu…
Trước đó, trong những giai đoạn giao thương qua cửa khẩu gặp khó khăn, lãnh đạo Bộ Công Thương luôn kịp thời có mặt tại các “điểm nóng” nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đối với cửa khẩu với Lào, để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương hai nước thay mặt Chính phủ hai bên ký kết vào ngày 8/4/2024. Hiệp định bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1247/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Bản ghi nhớ).
Đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương biên giới Việt Nam và giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của Lào trong việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ thông qua Cơ quan đầu mối của hai nước.
Góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa 2 hai nước. Làm cơ sở cho các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh biên giới.
Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023 (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại qua cửa khẩu. Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại biên giới luôn được Chính phủ và các bộ, ngành hết sức quan tâm.
Đơn cử, Việt Nam và Trung Quốc luôn chú trọng triển khai tổ chức các cặp Hội chợ thương mại Việt – Trung luân phiên. Đây là hoạt động đã được thực hiện 20 năm và rất hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội chợ rất đông.
Chỉ tính kỳ Hội chợ Thương mại – Việt Trung năm 2023 được tổ chức ở Lào Cai với chủ đề “Phát huy vai trò cầu nối Lào Cai, Vân Nam – thúc đẩy hợp tác toàn diện, phát triển bền vững” đã thu hút 529 gian hàng tiêu chuẩn và 88 khu trưng bày triển lãm đến từ gần 300 doanh nghiệp thuộc 50 tỉnh, thành phố trong nước, 8 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 8 quốc gia khác tham gia. Qua đó đã có hàng loạt các hợp đồng thương mại được ký kết sau hội chợ nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào Trung Quốc.
Hoặc đối với Lào, Campuchia, có rất nhiều hội chợ của các địa phương phía Việt Nam nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được hỗ trợ kinh phí tổ chức. Các hội chợ cấp địa phương với Lào và Campuchia như hội chợ tại An Giang, Quảng Trị, Quảng Bình đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp phía Việt Nam và nước bạn.
Các giải pháp của Bộ Công Thương đã và đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu qua cửa khẩu, khơi thông thị trường ngoài nước. Từ đó, tiết kiệm về thời gian, nhân lực và nguồn lực để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.