Tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu

Quảng Bình: Tập trung hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm ở khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Bình: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

Hiện nay tỉnh Quảng Bình có hơn 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á (hưởng các ưu đãi từ Hiệp định ATIGA), có một số ít các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian với thị trường chính là Trung Quốc.

Hàng hóa chủ lực và có nhiều tiềm năng xuất khẩu của tỉnh Quảng Bình gồm: Thuỷ sản chế biến, nông sản, nhựa thông, tinh bột sắn, chế biến gỗ, xi măng, phân bón, sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng…. Hiện nay, một số công ty chế biến thuỷ sản đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP) và xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc.

11 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất nhập ước đạt 644 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt: 192,5 triệu USD; nhập khẩu đạt: 451,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Vật liệu xây dựng, dăm gỗ, gỗ chế biến, hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, để thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, UBND tỉnh Quảng đã ban hành Kế hoạch số 688/KH-UBND ngày 17/4/2023 về triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, với mục tiêu phát triển kênh phân phối hàng hoá của tỉnh Quảng Bình ở nước ngoài, góp phần tăng quy mô, thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng tại các hệ thống phân phối hàng nước ngoài; kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước tham gia hiệu quả hơn vào kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với với các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại, Hội người Việt Nam ở nước ngoài, các cục, vụ của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan để triển khai, phát triển hạ tầng thương mại và kết nối, đưa hàng hoá Việt Nam nói chung và các sản phẩm hàng hóa tỉnh Quảng Bình nói riêng vào hệ thống phân phối tại nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hình thức đa dạng để tiếp cận thị trường.

May mặc là một trong những ngành xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao tại tỉnh Quảng Bình
May mặc là một trong những ngành xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Thành Long)

Ngoài ra, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh, sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang giá trị tăng cao cho hàng hoá xuất khẩu của tỉnh Quảng Bình.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tham mưu đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhằm sửa đổi kịp thời những thủ tục hành chính chồng chéo, không còn phù hợp và ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế địa phương. UBND tỉnh tiến hành rà soát 68 lượt văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do HĐND và UBND tỉnh Quảng Bình ban hành trong các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội như: Đầu tư, giao thông vận tải, khoa học và công nghệ, tài chính, tài nguyên và môi trường, xây dựng…

Qua rà soát, đã kịp thời phát hiện 12 văn bản QPPL của địa phương không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với quy định pháp luật hiện hành, với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, các văn bản QPPL hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, từ đó đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới thay thế bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương.

Năm 2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo kiểm tra thẩm định, ban hành và trình HĐND tỉnh 77 văn bản QPPL liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong quá trình thẩm định, UBND tỉnh đã đối chiếu các dự thảo văn bản QPPL với các văn bản QPPL cấp trên và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do FTA và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và EVFTA để đề nghị loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với pháp luật, các cam kết quốc tế và tình hình thực tế của địa phương.

Theo đó, các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và có tính khả thi cao nên đã được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng thuận, ủng hộ, nghiêm túc thực hiện. Các văn bản sau khi ban hành đã được tỉnh kịp thời cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ nhu cầu tra cứu và giám sát thực hiện của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên liên hệ với Bộ Công Thương theo dõi và cập nhật Danh sách các mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CVD) bởi các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, đăng tải lên website của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh và thông báo cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp biết.

Phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Quảng Bình; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đang được các nước khởi xướng; khả năng hàng hóa của Quảng Bình bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.



Source link