Xuất khẩu hàng hóa: Cần nâng cao sức mạnh nội lực Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới |
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024?
Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới. Đây là điều chắc chắn. Khả năng xuất nhập khẩu sẽ đạt con số 780 – 800 tỷ USD. Điều này nằm trong tầm tay. Để đạt được con số này, có nhiều nỗ lực từ doanh nghiệp và Chính phủ.
Xuất nhập khẩu 2024 xuất sắc vượt đích. Ảnh: M.H |
Thứ nhất, về phía doanh nghiệp, do lo sợ bị tụt hậu sau đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp Việt Nam gắng gượng vươn lên, đầu tư nhiều hơn, phục hồi mạnh và đưa tăng trưởng xuất nhập khẩu vươn lên con số gần 15%.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu còn được trợ lực bởi chính sách rất hài hòa của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành. Đồng thời, với những thuận lợi từ thị trường và thời tiết, trong đó, giá cả thị trường quốc tế gia tăng có lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là giá nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản.
Thứ hai, là sự thay đổi trong cấu trúc chính trị toàn cầu, đặc biệt là sự biến động của thị trường thế giới liên quan đến cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung dẫn đến hàng hóa của Việt Nam gặp thuận lợi. Đây là những thuận lợi nằm ngoài dự kiến.
Thứ ba, một số rào cản về xanh, hữu cơ, phát thải ròng, những tiêu chuẩn này lúc đầu chúng ta nghe cảm thấy rất khó, nhưng khi bắt tay vào làm thì các doanh nghiệp Việt Nam lại làm được.
Có thể thấy, với sự tích hợp của rất nhiều yếu tố và đây cũng là những động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu mà Việt Nam đã khai thác triệt để. Xuất nhập khẩu năm 2024 được nhận định là một bức tranh rất đẹp, đẹp chưa từng có trong 40 năm đổi mới kể cả về cơ cấu, quy mô, thị trường và thậm chí vị thế của nền thương mại Việt Nam cũng đã thay đổi căn bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm đa số. Ông bình luận gì về điều này?
Xuất khẩu của Việt Nam dựa vào đầu tư nước ngoài. Nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay được chọn lọc rất kỹ về chất lượng, điều này khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
Hiện năng lực của doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chúng ta chưa thể bằng được. Bởi các tập đoàn của doanh nghiệp FDI có bề dày về nghiên cứu, xây dựng mạng lưới, phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại và đi với tốc độ rất nhanh. Doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải học hỏi nhiều.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt Nam đâu đó đã từng bước tiếp cận dần với các nhà xuất nhập khẩu hàng đầu trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và mặc dù chúng ta học hỏi không được triệt để nhưng cũng có những giá trị nhất định, cũng đã tham gia vào chuỗi và cũng cố gắng đi từ công đoạn thấp đến công đoạn cao.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tăng cường tiết kiệm chi phí, đầu tư vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc này được triển khai nhanh. Đây là lợi thế.
Cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và Chính phủ ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng dựa vào Chính phủ và các nguồn lực khác. Trước đây, việc này có sự tách biệt là khá lớn, nhưng đến nay sự hợp tác khá chặt chẽ. Chỗ nào Chính phủ đi là doanh nghiệp cũng đi theo, chỗ nào doanh nghiệp đi thì cũng có Chính phủ dẫn đường. 2 điều này hợp lực với nhau tạo thành sự đồng thuận. Như chúng ta vẫn nói “Một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Với những kết quả xuất nhập khẩu đã đạt được trong năm 2024, ông dự báo như thế nào đối với hoạt động này trong năm 2025?
Đà tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm 2024 đã rất lớn, dự báo sang năm 2025, ‘mưa thuận, gió hòa’, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể vượt con số 1.000 tỷ USD.
Vậy đâu là lý do để đưa ra con số này? Tôi cho rằng, các hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đang khai thác đã đi vào thực chất, các doanh nghiệp Việt Nam chuyển động mạnh. Có rất nhiều mặt hàng tiềm năng và đang trỗi dậy đó là hơn 10.000 sản phẩm OCOP của các địa phương, nếu chúng ta làm chuẩn, đầy đủ, chuyên nghiệp hóa, cộng với các nền tảng thương mại điện tử mà chúng ta đã tạo dựng được thì sự đột phá nằm trong tầm tay. Chưa nói đến việc các doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm học hỏi cũng “bắt nhịp” được nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số, từ đó tạo sự bứt phá trong hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến.
Đặc biệt, sang năm 2025, khi các FTA đi vào chiều sâu thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ngày càng được mở rộng, lợi thế quy mô càng lớn. Do đó, xuất nhập khẩu năm 2025 chắc chắn tốt hơn và cao hơn năm nay.
Con số hơn 1.000 tỷ USD liệu có quá lạc quan không thưa ông, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động và các chính sách của Tổng thống Mỹ tái đắc cử dự báo sẽ đánh thuế cao đối với thương mại toàn cầu, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Tôi cho rằng, hiện cơ chế cảnh báo của Việt Nam rất tốt nên các doanh nghiệp cũng đã tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cùng với việc doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, phát triển theo chuỗi, thì việc người Mỹ khi mua hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ rủi ro,. Họ cũng nghĩ cách để có thể nhập khẩu được hàng hóa Việt Nam 1 cách dễ dàng.
Mặt khác, tôi cho rằng, các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Việt Nam sẽ không bị đối xử nặng như Trung Quốc. Nếu chính sách ngoại giao của Việt Nam khéo léo thì chúng ta không những tránh được rủi ro còn đứng trước cơ hội rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mình.
Dự báo xuất nhập khẩu đạt con số 1.000 tỷ USD, chúng tôi đã đưa ra dự báo từ cách đây 4 năm. Tất nhiên, cơ hội không tự nhiên đến. Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu cả trực tiếp và trực tuyến.
Bên cạnh đó, phải đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng tiết kiệm chi phí, tận dụng được nhiều hơn các tiến bộ công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đầu tư vào chuỗi, chuyên nghiệp hóa, nghiên cứu kỹ nhu cầu của khách hàng để có thể xây dựng đối tác chiến lược với các khách hàng, như vậy mới có bước tiến dài. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết với nhau, tự tích lũy và đa dạng hóa thị trường.
Về phía Bộ Công Thương, trong giai đoạn mới cũng phải xây dựng chiến lược thương mại trong kỷ nguyên vươn mình. Chẳng hạn như xúc tiến xuất khẩu xanh. Cần phải đưa ra những định hướng mới của sự phát triển, tìm cách đưa hoạt động xuất nhập khẩu đi theo 1 lộ trình cụ thể hơn, rõ hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn. Cần có 1 Đề án tổng thể cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn phát triển mới với những mặt hàng mạnh hơn, nhọn hơn, sắc hơn, chất lượng cao hơn.
Xin cảm ơn ông!