Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan |
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – cho biết, năm 2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với khoảng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12,7% so với năm 2023, trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như: Tôm ước đạt 4,0 tỷ USD (tăng 16,7%); cá tra ước đạt 2,0 tỷ USD, (tăng gần 9,6%); cá ngừ ước đạt 1,0 tỷ USD (tăng 17%); mực, bạch tuộc ước đạt trên 600 triệu USD…
Năm 2024, xuất khẩu tôm ước đạt 4,0 tỷ USD (tăng 16,7%). (Ảnh: M.H) |
Những con số trên thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Những bước tiến này đã và đang khẳng định vị thế của ngành thủy sản Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tại sự kiện Lễ Mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỉ USD năm 2024 diễn ra tối 23/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa để phát triển còn rất lớn bởi theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ước tính thị trường cho thuỷ sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD.
Vấn đề cấp bách hiện nay là biến mong muốn, tầm nhìn thành những kế hoạch, hành động cụ thể; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến những cam kết hợp tác thành những kết quả, sản phẩm cụ thể. Bởi đứng trước một xu thế phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững trên thế giới hiện nay, Việt Nam cũng cần nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi để bắt kịp thời cơ.
Yêu cầu đặt ra là làm sao để phát triển công nghệ nuôi trồng hiện đại, giảm tác động tới môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, áp dụng công nghệ sinh học để cải thiện giống thủy sản; đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm thủy sản sạch, hữu cơ để thâm nhập các thị trường cao cấp; và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản nói chung và thủy sản nói riêng.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của VASEP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng.
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế….
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… cần tập trung phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông….
Thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.