Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024 Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) diễn ra chiều 26/12. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị.

Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh

Thông tin tại Hội nghị tổng kết, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng.

Xuất nhập khẩu 2024 xuất sắc vượt đích. (Ảnh: M.H)
Xuất nhập khẩu 2024 xuất sắc vượt đích. (Ảnh: M.H)

Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Theo số ước liên Bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%. Các mặt hàng nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 342,1 tỷ USD (tăng 13,7%).

Thứ hai, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Xuất khẩu sang ASEAN 11 tháng năm 2024 đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang EU đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 23,3 tỷ USD, tăng 8,6%; sang Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 11,3 tỷ USD, tăng 32,3%. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 108,9 tỷ USD, tăng 24%.

Thứ ba, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả năm 2024 ước xuất siêu 24,1 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thứ tư, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước phục hồi tốt. Theo đó, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước năm 2024 ước đạt 113,7 tỷ USD, tăng 18,9%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (ước đạt 290 tỷ USD, tăng 11,9%).

Thứ năm, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 phục hồi, đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2023, chủ yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: N.H)

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Thanh Hải, xuất nhập khẩu vẫn còn một số điểm hạn chế. Theo đó, xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường lớn. Điều này tuy mang lại kim ngạch lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và chi phí vận chuyển còn cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Đồng thời, yêu cầu sản xuất xanh và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành hàng Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới.

Trong thành tích ở trên, có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành của Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có vai trò của Cục Xuất nhập khẩu. Theo đó, trong năm qua, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng, trình Lãnh đạo Chính phủ ban hành 02 Nghị định và 09 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Cục Xuất nhập khẩu đã tiến hành thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kinh doanh tạm nhập tái xuất; theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhập khẩu đường, muối, thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan; theo dõi tình hình thực thi Hiệp định thương mại biên giới.

Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu lãnh bộ xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong công tác điều hàng xuất khẩu gạo trước bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cùng với đó, công tác điều hành nhập khẩu các mặt hàng hạn ngạch thuế quan; công tác đàm phán và tổ chức thực thi các quy định về quy tắc xuất xứ trong các FTA và chống gian lận xuất xứ; công tác phát triển dịch vụ logistics; công tác quản lý về thương mại biên giới, tạm nhập tái xuất cũng được Cục đẩy mạnh triển khai trong suốt năm qua.

Hướng đến xuất khẩu tăng trên 10-12%

Ông Trần Thanh Hải nhận định, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi.

Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) diễn ra chiều 26/12. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) diễn ra chiều 26/12. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị. (Ảnh: N.H)

Mặc dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có thể gặp một số khó khăn, bất lợi có thể kể đến như diễn biến khủng hoảng tại Trung Đông vẫn khó đoán định ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng, do chi phí vận tải tăng, thời gian vận tải kéo dài. Bên cạnh đó, xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại ở một số nước phát triển và đang phát triển có thể làm hạn chế cơ hội xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt ở các thị trường EU, Mỹ sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này. Biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Thanh Hải cho biết, Cục sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.

Thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo Lãnh đạo Bộ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kịp thời các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các Hiệp định đang và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết trong thời gian tới; tuyên truyền, phổ biến về cam kết, thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, các Hiệp định Thương mại, thúc đẩy đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

Triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực thi Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030; Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2035;…

Tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch. Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.



Source link