Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Buồn vui đan xen

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục mới trong xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Trong đó, thị trường Trung Quốc được coi là điểm sáng khi nhập khẩu gần 4,1 tỉ USD riêng mặt hàng rau quả, chiếm 66,52% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!
EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra sầu riêng tại biên giới từ 10% lên 20% (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, đi cùng với những kỷ lục đó là những gam màu chưa sáng trên bức tranh xuất khẩu nông sản khi mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Theo đó với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Nguyên nhân của sự thay đổi này là do sầu riêng Việt Nam không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, cơ quan chức năng của EU đã phát hiện nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid. Các hoạt chất này được EU quy định mức giới hạn tối đa dư lượng được phép (MRL) từ 0,005-0,1 mg/kg tuỳ loại.

Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước đó, tháng 8 năm nay, lãnh đạo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thông tin, trong nửa đầu năm 2024, EU có đến 57 cảnh báo gửi cơ quan chức năng Việt Nam do sản phẩm nông sản của nước ta tồn dư kháng sinh và chất cấm.

Tại Trung Quốc – một trong những thị trường “khủng” nhất của rau quả Việt, quốc gia này cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng trái cây Việt Nam, nhất là sầu riêng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép.

Trong đó, hồi tháng 6 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo phát hiện 77 lô sầu riêng từ Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị nhiễm kim loại nặng (cadmium). Đây là những lô hàng được xác định có liên quan 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng từ Việt Nam.

Cùng thời điểm này, phía Trung Quốc cũng đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam. Bởi các nhà máy và vùng trồng này không tuân thủ quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Chuẩn hoá để giữ vững thị trường

Tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cho hay: Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

Do đó, giải pháp để xuất khẩu nông sản duy trì được tốc độ tăng trưởng là các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

Thực tế, theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm. Như vậy, bình quân 1 ngày, Văn phòng SPS Việt Nam phải nhận 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang. Ví dụ, trong tháng 11/2024, Nhật Bản có tới 10 thông báo về thuốc bảo vệ thực vật, có loại thuốc giảm hoạt chất đến 10 lần. Trong tổng số thông báo này, chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà chúng ta đang có giao dịch như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường, các vùng trồng, vùng nuôi không còn con đường nào khác ngoài tuân thủ các quy định của thị trường Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu với cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; có cơ chế cùng kiểm soát, quản lý chất lượng.

Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTG phê duyệt đề án: “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.

Theo đó, định hướng mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Khi đã đạt được mục tiêu này, hoạt động xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ suôn sẻ hơn và đạt được những mục tiêu lớn đã đề ra.



Source link