Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh, phong trào công nhân lao động 2024, định hướng 2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ngày 25/12, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết đến giờ phút này tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận vượt so với Đại hội cổ đông giao trong kỳ họp tháng 6 vừa qua.
ĐẢO CHIỀU NGOẠN MỤC TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM
Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2024 ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023.
Để có được kết quả này, lãnh đạo Vinatex cho biết phải vượt qua một năm rất sóng gió, rất khó khăn, có những giai đoạn tưởng chừng không đạt được. Vì năm 2023 ngành dệt may Việt Nam nói chung, Vinatex nói riêng đã phải trải qua một năm rất vất vả. Lần đầu tiên sau 30 năm làm xuất khẩu, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may giảm trên 11%.
Bước sang năm 2024, tiếp đà của năm 2023 nên quý 1, 2 vẫn rất nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng, bất ổn chính trị căng thẳng hơn, cầu dệt may không tăng, đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và chất lượng, thời gian giao hàng nhanh, đặc biệt đơn giá đầu năm vẫn cực kỳ thấp – nền từ 2023.
Tuy vậy, bức tranh xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm bất ngờ có sự đảo chiều. Từ tháng 7, đơn hàng dồi dào hơn, giá cải thiện hơn một chút. Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã kín đơn hàng kéo dài tới tháng 12/2024. Và đến giờ phút này, nhiều đơn vị may đã có đơn hàng đến hết quý 1, thậm chí quý 2/2025.
Nhìn vào các đối thủ của ngành dệt may, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh văn phòng HĐQT Vinatex, cho rằng năm nay dệt may Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may.
Theo ước tính, hết năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ cán đích xấp xỉ 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, đứng trên Bangladesh.
“Sau Việt Nam là Ấn Độ, đến thời điểm hiện tại, nước này tăng trưởng 6,97%. Họ có dòng sản phẩm tương đồng cũng như lợi thế địa lý gần Bangladesh, nên xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các nước khác thì Ấn Độ là nước được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Cầm thông tin..
Còn Trung Quốc, luỹ kế 11 tháng năm 2024, nước này xuất khẩu được 273,4 tỷ USD tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt hàng may mặc là đối thủ trực tiếp với Việt Nam, Trung Quốc xuất được 144 tỷ USD và giảm 2,8% sau 11 tháng. Mặt hàng dệt sợi là thế mạnh của Trung Quốc mà chúng ta không cạnh tranh được, họ đã xuất khẩu được 129 tỷ USD, tăng 3,7%.
Bangladesh 10 tháng năm 2024 xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu trung bình mỗi tháng 2,8 tỷ USD, trong khi đỉnh cao năm 2022 – thời điểm bùng nổ về cầu, trung bình mỗi tháng nước này xuất khẩu trên 4 tỷ USD.
HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU 45 – 46 TỶ USD TRONG NĂM 2025
“Năm 2024 qua đi rất vất vả, nhưng cuối cùng ngành dệt may cũng được đền đáp xứng đáng với công lao của tập thể người quản lý và người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm nay tăng trung bình 10,3 triệu đồng/người/tháng và vẫn bảo toàn được toàn bộ lực lượng lao động”, ông Hiếu chia sẻ.
Lý giải chi tiết kết quả thành công này, ông Hiếu cho rằng không phải do thị trường tốt lên đảo chiều 360 độ, cũng không phải cầu tăng khủng khiếp mà là sự “may mắn” của thị trường. Đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam là Bangladesh bất ổn về chính trị (đình công, bãi công, biểu tình…) nên các đơn hàng chuyển hướng và Việt Nam là một trong những điểm ưu tiên được lựa chọn.
Bangladesh là thị trường khách hàng phổ thông, là đối thủ cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam ở phân khúc phổ thông, nên khi đơn hàng đổ về Việt Nam thì giá cả cũng không cải thiện nhiều, tuy nhiên số lượng lại lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh sự “may mắn” hiếm hoi, ông Hiếu cho rằng nhiều giải pháp linh hoạt trong điều hành sản xuất đã được các đơn vị dệt may đưa ra. Công tác thị trường của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới trên cơ sở các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực, nhiều dòng sản phẩm vào thị trường FTA đã có thuế suất bằng 0. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp khai thác triệt để được các thế mạnh của ngành cũng như lợi thế từ các FTA.
Ngoài ra, công tác quản trị hiện đại, áp dụng chuyển đổi số, tăng cường đầu tư máy móc thiết bị tự động hoá … cũng góp phần vào thành công của ngành dệt may trong năm 2024.
Dù năm 2025 chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng dự báo của các tổ chức trên thế giới như IMF, WB và nhìn vào kết quả 1 số thị trường lớn của dệt may như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhiều nhận định cho rằng năm 2025 dệt may sẽ có chiều hướng tốt.
Theo kịch bản cơ sở (khi tổng cầu dệt may thế giới tăng trưởng ở mức cơ sở đạt 850 tỷ USD) mà Vinatex đưa ra, Bangladesh sẽ phục hồi lại mức xuất khẩu dệt may bình thường kể từ sau quý 2/2025, lúc đó sự cạnh tranh gay gắt sẽ quay lại với những lợi thế về thuế quan ưu đãi cho nước kém phát triển; trong khi đó, Việt Nam có những bất lợi về chi phí lao động cao gần gấp 3 lần so với Bangladesh trong ngành dệt may.
Vì vậy, ông Cầm cho rằng ngành dệt may cần theo dõi sát và đưa ra nhiều giải pháp thích ứng hơn. Trên nền này, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2025 sẽ tăng trưởng 5-6%, đạt mức 45-46 tỷ USD.
Source link