Xuất khẩu lâm sản lập kỷ lục 17,3 tỷ USD

Thông tin về tình hình ngành lâm nghiệp năm 2024, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết đã đạt được nhiều kết quả, từ phát triển rừng đến khai thác, chế biến, xuất khẩu lâm sản.

Cụ thể, diện tích rừng trồng mới tập trung cả năm 2024 ước đạt hơn 270 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 97 triệu cây, tăng 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 22,7 triệu m3, tăng 7,9% so với năm 2023.

HOA KỲ TIẾP TỤC LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM

Về tình hình xuất khẩu lâm sản, ông Trần Quang Bảo cho hay trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 11/2024 và tăng 15,8% so với 12/2023. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng 11/2024 và tăng 15,5% so với tháng 12/2023. Tính cả giá trị lâm sản ngoài gỗ, kim ngạch xuất khẩu nhóm lâm sản trong tháng 12/2024 ước đạt 1,68 tỷ USD.

Luỹ kế cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 16,3 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu của toàn ngành lâm nghiệp năm 2024 ước khoảng 14,4 tỷ USD.

 

“Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 tăng 21% so với năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2023”.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.

Hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả năm là mặt hàng ghế khung gỗ. Tính đến hết tháng 11/2024, mặt hàng này đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt; dăm gỗ; đồ nội thất phòng ngủ; gỗ, ván và ván sàn; đồ nội thất nhà bếp. Tất cả nhóm sản phẩm này đều đạt kim ngạch vượt 1 tỷ USD.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho giảm tại thị trường này.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam.

Ngoài ra, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao, mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.

Từ chiều ngược lại, trong năm 2024, Việt Nam nhập khoảng 5,45 triệu m3 gỗ nguyên liệu, với trị giá 1,79 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. “Nhập khẩu gỗ nguyên liệu tăng khi nhu cầu từ các thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực, tồn kho giảm, trong khi nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm”, ông Bảo nhận định, đồng thời cho rằng sự gia tăng trong xuất khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

MỤC TIÊU NĂM 2025 ĐẠT 18 TỶ USD

Trong năm 2024, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện tốt kế hoạch phát triển rừng năm 2024, Cục Lâm nghiệp cũng đã tăng cường công tác quản lý chất lượng giống đến các địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ giống cây lâm nghiệp được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng để đưa vào trồng rừng đạt 85-90%.

Cả nước cũng đã trồng được 270 nghìn ha rừng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng sản xuất trồng mới thêm khoảng 245 nghìn ha, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước cả năm đạt khoảng 22,6 – 22,7 triệu m3, vượt khoảng 2-3% với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 22,5 triệu m3.

Lũy kế đến hết tháng 11/2024, cả nước đã thu 3.374,99 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đạt 105,4% kế hoạch thu năm 2024 và bằng 110,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ước cả năm 2024 đạt trên 3.400 tỷ đồng, vượt trên 7% so với kế hoạch năm 2024. Ước cả năm 2024, tổng diện tích rừng có chứng chỉ cả nước ước đạt khoảng 610.000 ha, đạt 120%, mục tiêu về diện tích đến năm 2025 là 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Từ kết quả đạt được trong năm 2024, ngành lâm nghiệp phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 đạt 4,5-5,0%. Theo đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD. Trồng rừng tập trung là 250.000 ha. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 5.0005 ha, trồng rừng sản xuất là 245.000 ha.

Khoanh nuôi tái sinh là 130.000 ha/năm. Trong đó, chủ yếu là khoanh nuôi chuyển tiếp. Trồng cây phân tán: 140 triệu cây. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng: 22,5 triệu m3. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 70.000 ha. Thu dịch vụ môi trường rừng: 3.200 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Cục Lâm nghiệp đã đưa ra các giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai Luật Lâm nghiệp. Tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trong giai đoạn tới như Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp; hoàn thành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2025 được Bộ giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026-2030.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, triển khai công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế; triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Thứ ba, chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế song phương, đa phương để phát triển lâm nghiệp. Trong đó, ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển rừng ven biển gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, dịch vụ môi trường rừng; các chương trình, dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành lâm nghiệp.


Source link