Đột phá xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Phi
Sáng 27/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động trong năm 2024, ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, năm 2024, công tác phát triển thị trường của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đến từ kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng không đáng kể. Tốc độ phục hồi không cao, nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ thắt chặt và chủ nghĩa bảo hộ. Chưa kể, chiến tranh, xung đột chính trị xảy ra ở nhiều nơi tác động mạnh đến kinh tế thương mại của Việt Nam với các nước và ngược lại.
Chưa kể, năm 2024, Việt Nam đã bị khởi kiện 270 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó thị trường châu Á, châu Phi chiếm 146 vụ, hơn 54%…
Sáng 27/12, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự và chỉ đạo tại hội nghị |
Dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động trong Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á, châu Phi, năm 2024 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này vẫn tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn vào kết quả xuất nhập khẩu của toàn ngành và của cả nước.
Khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Riêng với khu vực châu Á, kim ngạch xuất nhập khẩu ước cả năm đạt gần 497,3 USD, trong đó xuất khẩu đạt 187,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 310,3 tỷ USD.
Với khu vực châu Phi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6,9 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD.
Với khu vực châu Đại Dương, ước cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,4 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,2 tỷ USD.
“Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các khu vực thị trường châu Á, châu Phi. Đây là thành tích hiếm có được, bởi các năm trước, có khu vực thị trường tăng, nhưng có thị trường lại giảm. Năm 2024, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều tăng, từ Nam Á, Tây Á, châu Phi, Đông Bắc Á… đều có sự tăng trưởng” – Vụ trưởng Đỗ Quốc Hưng nhận định.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi báo cáo tình hình hoạt động trong năm 2024 và đề xuất những giải pháp trong năm 2025 |
Về nhóm hàng xuất khẩu, theo ông Đỗ Quốc Hưng trong 36 nhóm mặt hàng tăng trưởng tỷ đô của Việt Nam, thị trường châu Á – châu Phi đóng góp 27 mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng gạo. Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 9 triệu tấn thì thị trường châu Á, châu Phi chiếm đến hơn 70%, riêng Philippines chiếm 45%… Đây là kết quả tích cực, đóng góp rất lớn vào hoạt động xuất khẩu chung của cả nước.
Cùng với đó, năm 2024, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới, khắc phục tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản xuất khẩu, đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Song song đó, chủ trì, phối hợp tích cực, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán, thúc đẩy nước đối tác mở cửa thị trường; thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và đơn vị liên quan về các thay đổi chính sách, rào cản của nước sở tại, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đáp ứng các yêu cầu, quy định của nước sở tại; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tranh chấp thương mại.
Không những vậy, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Các hoạt động này góp phần khẳng định vai trò, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam trong hợp tác với các đối tác trên thế giới.
Xúc tiến thương mại, kết nối thị trường có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao những nỗ lực, những kết quả đạt được, thành tích này đóng góp lớn vào kết quả chung của toàn ngành Công Thương và của cả nước. Đây sẽ là nền tảng, là bản lề giúp ngành Công Thương tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng, trong năm 2025, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi sẽ giữ vững và phát huy truyền thống làm việc hiệu quả, tiếp tục tạo được những thành tích đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đạt được trong năm 2024 |
Cũng theo Thứ trưởng, thị trường châu Á, châu Phi là thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam khai phá và phát triển. Tuy nhiên, phát triển như thế nào, khai phá ra sao là một câu hỏi lớn, một bài toán khó đặt ra không chỉ cho Vụ Thị trường châu Á – châu Phi mà còn là bài toán chung của các đơn vị liên quan.
“Vụ Thị trường châu Á – châu Phi là đơn vị mở đường, tiên phong kết nối với các đối tác trong khu vực châu Á, châu Phi. Đây là nhiệm vụ quan trọng để khai mở thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị trong bộ, từ Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên…; và đẩy mạnh liên kết giữa các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và với cộng đồng doanh nghiệp để làm tốt hơn công tác này, đồng thời, cần lan tỏa những gì mình làm được” – Thứ trưởng Phan Thị Thắng giao nhiệm vụ và đề nghị, trong năm 2025, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cần xác định rõ hơn những thị trường trọng điểm, mặt hàng tiềm năng để tham mưu cho lãnh đạo bộ có những chính sách phù hợp, kịp thời, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Liên quan đến công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và địa phương, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Á – châu Phi phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác, đoàn doanh nghiệp theo chuyên đề, theo ngành hàng thế mạnh để thu hút sự tham gia của Sở Công Thương các địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường châu Á – châu Phi trong năm 2025, Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị cần tập trung vào công tác phòng vệ thương mại, chủ động hơn trong việc cập nhật cung cấp thông tin thị trường để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chính sách phản ứng kịp thời, vừa bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.
Một số nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi trong năm 2025: – Tiếp tục chuẩn bị, tổ chức, tham gia và triển khai kết quả các cuộc họp trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP), UBHH, các nhóm công tác và Tiểu ban Hỗn hợp (TBHH) song phương và các cơ chế hợp tác tiểu vùng theo đúng kế hoạch. – Tiếp tục phối hợp với các nước đối tác trong việc đề xuất, tham mưu, đàm phán, ký kết các văn kiện, biên bản ghi nhớ; nghiên cứu thị trường phục vụ đánh giá khả thi đàm phán FTA Việt Nam – SACU, FTA/CEPA với Ả-rập Xê-út, Qatar, Ai Cập, Pakistan… – Tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm và làm việc của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Vụ với các đối tác nước ngoài. Tăng cường công tác theo chính sách “Tiếp cận vùng”, coi mỗi địa phương là một thị trường riêng biệt tại các thị trường lớn, tiềm năng. – Tiếp tục thúc đẩy việc ký kết các văn kiện hợp tác, thỏa thuận quốc tế với các đối tác, địa phương nước ngoài. – Tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Tây Á, châu Phi. – Phối hợp với các tổ chức, địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các thị trường khu vực Á Phi, tập trung vào các thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng như thị trường khu vực Nam Á, thị trường Halal. Tiếp tục duy trì thị trường truyền thống khu vực ASEAN. – Triển khai các chương trình thông tin, hội nghị hướng dẫn việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các MOU đã ký kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. kịp thời đề xuất những điều chỉnh (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế. – Tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin thị trường, chính sách của các nước đối tác có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Việt Nam để phổ biến kịp thời tới các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương. Phát hiện và đề xuất phương hướng xử lý kịp thời để ứng phó với những thay đổi chính sách của thị trường, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu. |