Tỷ lệ áp dụng C/O ưu đãi ở các thị trường có FTA ngày càng tăng Cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.508.142 bộ C/O ưu đãi, trị giá 86,1 tỷ USD |
Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 28/12 tại Lạng Sơn.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; bà Trịnh Thị Thu Hiền – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; cùng đại diện các đơn vị phòng, ban trực thuộc Bộ Công Thương gồm: Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Về phía địa phương có ông Nguyễn Đình Đại – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và đại diện các đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề về xuất xứ hàng hóa năm 2024 |
C/O “giấy thông hành” cho hàng hóa xuất khẩu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đóng vai trò ngày càng quan trọng.
C/O chính là “giấy thông hành” giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan trên thị trường ngoài, đồng thời là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa bên thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi bất chính.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị |
Thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức cấp C/O đã làm tốt công tác triển khai lĩnh vực xuất xứ hàng hóa như: Triển khai mở rộng quy trình cấp C/O dưới dạng điện tử và truyền dữ liệu C/O điện tử sang các nước ASEAN và Hàn Quốc theo cam kết, thỏa thuận quốc tế; hợp tác xác minh xuất xứ với nước nhập khẩu; áp dụng thu phí C/O; rà soát công tác cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O theo tinh thần của Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác nhà nước về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; tham vấn ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị cho việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Hội nghị về xuất xứ hàng hóa được tổ chức thường niên nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động cấp C/O ưu đãi của các cơ quan, tổ chức cấp C/O của Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương ủy quyền, để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác cấp C/O ưu đãi trên cả nước. Không những vậy, hội nghị còn là cơ hội để các cán bộ cấp C/O giao lưu, học hỏi, trau dồi nghiệp vụ và cập nhật cam kết về Quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định mới.
Cần thường xuyên cập nhật quy định về quy tắc xuất xứ
Hội nghị diễn ra gồm 2 phiên. Tại phiên tổng thể, đại diện Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có bài giới thiệu về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong FTA Việt Nam – Israel; tình hình thu phí cấp C/O, dự toán và quyết toán các hoạt động từ thu phí C/O; thực trạng hoạt động và kế hoạch nâng cấp Hệ thống eCoSys; quy trình cấp C/O trong trường hợp khẩn cấp.
Tại phiên thảo luận, đại diện các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trao đổi, thảo luận về các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong công tác cấp C/O và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề về xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 28/12 tại Lạng Sơn |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng đã đề nghị các cán bộ tại cơ quan, tổ chức cấp C/O thường xuyên cập nhật các quy định về quy tắc xuất xứ, thực hiện chuẩn mực quy trình cấp và xác minh xuất xứ và giúp phổ biến kiến thức, hiểu biết cho doanh nghiệp và cộng đồng cũng như tiếp tục tập huấn cho các cán bộ khác tại cơ quan, tổ chức cấp C/O của mình.
Đồng thời, các cán bộ cấp C/O cũng cần lưu ý công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, lưu ý những điều đảng viên không được làm để không ngừng nâng cao uy tín và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cấp C/O của Việt Nam; thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước đó, chiều 27/12, tại Lạng Sơn, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024. Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa là một vấn đề quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước. Trong thời gian tới, việc triển khai các FTA sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn cần kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại. Đồng thời, việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan là hết sức quan trọng trong công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý các tình huống gian lận xuất xứ hàng hóa trong thực tế. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro về xuất xứ để ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ ngày một đa dạng, tinh vi trong tương lai. |