Thị trường dệt may năm 2025 có gì mới?

Giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam về đích với khoảng 44 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 11% so với năm 2023. Với kết quả này, năm 2024 Việt Nam vượt lên đứng vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều hàng dệt may nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân giúp dệt may Việt Nam đạt kết quả trên là doanh nghiệp đã đón được luồng đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn hàng từ Bangladesh là đơn hàng cơ bản, số lượng lớn nhưng giá thành không cao. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đón được luồng đơn hàng, nhất là những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cao cấp, thời trang như Hòa Thọ, May 10.

Xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ năm 2024 tăng trưởng 2 con số
Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 2 trong số quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa

Phân tích về các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới năm vừa qua, ông Hoàng Mạnh Cầm- Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thông tin, năm 2024 Việt Nam đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, xếp ngay sau Việt Nam là Ấn Độ, cả năm dự kiến tăng trưởng 6,9-7%. Ấn Độ sản xuất mặt hàng tương đồng với Bangladesh, do đó được hưởng lợi nhất trong xu hướng dịch chuyển đơn hàng.

Đối với Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2024, Trung Quốc mới xuất khẩu được 273,4 tỷ USD hàng dệt may và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đối với mặt hàng mà là đối thủ trực tiếp của Việt Nam là hàng may mặc, Trung Quốc xuất khẩu được 144 tỷ USD và giảm khoảng 2,8% so với cùng kỳ.

Riêng với Bangladesh, do bất ổn về chính trị, 10 tháng năm 2024 xuất khẩu hàng may mặc giảm khoảng 3,7% so với cùng kỳ, trung bình mỗi tháng xuất khoảng 2,8 – 3 tỷ USD, trong khi đỉnh cao con số này đạt khoảng 4 tỷ USD/tháng.

Mặc dù vậy, xu hướng xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ và EU bắt đầu có sự phục hồi về thị phần trong tháng 9 và tháng 10. Do may mặc là xương sống của nền kinh tế Bangladesh, mang về khoảng 80-85% nguồn thu ngoại hối, do đó quốc gia này nhanh chóng tạo điều kiện phục hồi sản xuất dệt may”, ông Cầm cho hay.

Ông Cầm cũng đồng thời nhận định, dự báo sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ phục hồi lại mức bình thường kể từ sau quý II/2025. Lúc đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi Bangladesh đang được hưởng thuế quan ưu đãi cho nước kém phát triển, trong khi chi phí lao động của Việt Nam cao gần gấp ba lần so với đối thủ.

Đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh nhưng mức tăng trưởng không cao và quy mô nhỏ nên không có nhiều lo ngại.

Thị trường sẽ có nhiều yếu tố phức tạp

Trên cơ sở nghiên cứu của Tập đoàn, ông Cầm cũng nhìn nhận, trong nửa đầu năm 2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Đồng thời với đó, có một số tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi các thị trường nhập khẩu chính của ngành như Mỹ và EU phục hồi kinh tế khả quan hơn. Thu nhập và chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ được cải thiện sau khi lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp tục diễn ra.

Nguyên phụ liệu dệt may, da giày là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Myanmar - Ảnh: Tiến Anh
Chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu là nút thắt của ngành dệt may- Ảnh: Tiến Anh

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm trở đi, nhà nhập khẩu sẽ không chốt đơn hàng dài mà đơn hàng sẽ ngắn và nhỏ hơn. Đặc biệt, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh sẽ giảm dần, hiện tại xuất khẩu của quốc gia này đã ổn định dần. “Theo chia sẻ của một số khách hàng, nhiều khách hàng không rời đi mà vẫn ở lại Bangladesh ngay cả khi xung đột xảy ra”, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin.

Bên cạnh đó, khi Tổng thống Donald Trump lên điều hành chính quyền và thực thi chính sách thuế mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ, có khả năng dệt may Việt Nam chịu thêm 10% thuế. Đây là một khó khăn lớn bởi Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành.

“Trong rủi có may”, trường hợp Mỹ thực thi chính sách thuế mới, Việt Nam có khả năng san bằng khoảng cách về giá hàng dệt may với Trung Quốc tại thị trường này, đồng nghĩa với khả năng mở rộng thị phần.

Về yếu tố nội tại, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là nút thắt cổ chai của ngành dệt may. Đây cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.

Cùng đó là biến động lao động tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp dệt may trong năm 2025. Để khắc phục khó khăn này, Tập đoàn cũng như doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhằm giữ chân người lao động. Đầu tư công nghệ phù hợp để tăng năng suất, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn mới.

Cùng đó, tiếp tục phát triển nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên không phát triển sản phẩm đại trà mà tập trung “tạo sự khác biệt” thông qua các sản phẩm khó, sản phẩm xanh và sản phẩm tái chế.

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nửa đầu năm 2025, ngành được nhận định sẽ tiếp đà phát triển của nửa cuối năm trước, là nền tảng tốt cho mục tiêu tăng trưởng 10% về xuất khẩu.



Source link