Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 2025: Triển vọng tích cực

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

– Ông đánh giá như thế nào về thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023. Về thị trường, xuất khẩu sang Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%).

Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 125-130 tỷ USD. Trong đó, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Cụ thể, ngành dệt may được kỳ vọng đạt 25 tỷ USD, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024. Đối với ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, và hạt điều, được dự báo đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD.

– Mục tiêu xuất nhập khẩu 2025 hơn 800 tỷ USD có quá cao trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động và những chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng, mốc hơn 800 tỷ USD so với kế hoạch 2024, đây là con số tương đối lớn nhưng nếu so với con số thực hiện năm 2024 thì hoàn toàn có cơ sở để có thể tin rằng con số này chúng ta có thể thực hiện được.

Thêm vào đó, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có nhiều tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong đó có Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump hướng đến Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là trên hết, do đó, có thể đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và một số quốc gia.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: N.H)

Tuy nhiên, ông Donald Trump là một nhà kinh doanh và có những cái nhìn rất sắc bén. Chúng ta cũng hy vọng rằng những chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nếu không có những gì quá khác biệt so với nhiệm kỳ trước thì đây là cơ hội tốt cho Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Hiện, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ. Với Tổng thống Donald Trump và chính quyền Hoa Kỳ hiện nay, họ hiểu Việt Nam nhiều hơn, do đó, họ cũng không ‘‘săm soi’’ quá mức với hàng hóa Việt Nam. Tất nhiên, họ vẫn có những đòi hỏi về yêu cầu hàng hóa để đảm bảo hàng xuất khẩu vào nước họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, vì vậy, chúng ta cũng phải tự vươn lên để đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đặt ra.

Nhưng những điều này theo tôi không quá quan trọng. Bởi nói về chính sách thuế và các vấn đề khác đó chính là Hoa Kỳ là trên hết, khi kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân Hoa Kỳ tăng, chi tiêu của họ cũng sẽ tăng và họ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, sản xuất của họ tăng trưởng tốt thì họ cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh phụ kiện. Như vậy, đây là những điều kiện để chúng ta có thể xuất khẩu hàng hóa được tốt hơn.

Chính phủ Hoa Kỳ đánh thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường của họ. Đánh thuế đồng nghĩa hàng hóa bán cao hơn, bán khó hơn nhưng việc này áp dụng cho cả thế giới không chỉ riêng Việt Nam. Mặt khác, việc đánh thuế vào một số quốc gia lớn như Trung Quốc, hàng Việt Nam sẽ được lợi. Bởi nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tương đồng với mặt hàng của Trung Quốc, và nếu họ bị đánh thuế cao thì hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu vào thị trường này.

Việc đánh thuế Mexico cũng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam bởi Mexico chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản vào Hoa Kỳ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tốt hơn.

Chưa kể, cách thức điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng giữ ổn định VND với USD. Chúng ta không phá giá đồng tiền, do đó, chúng ta hoàn toàn có khả năng xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Mặt khác, nếu chúng ta giữ ổn định VND với USD sẽ làm cho các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng cao hơn, chúng ta sẽ tiếp cận được máy móc, công nghệ mới của thế giới nhiều hơn và khả năng xuất khẩu sẽ tốt hơn.

Tất nhiên, cũng sẽ có những sự thay đổi, chúng ta phải theo dõi một cách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động tích cực thay đổi mình để thích ứng. Tuy nhiên, bức tranh chung đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng sẽ tốt hơn.

– Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu đạt hơn 800 tỷ USD trong năm 2025, đâu là giải pháp thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương.

Theo đó, thứ nhất, Bộ Công Thương phải tìm kiếm, nắm bắt thông tin thị trường thông qua các thương vụ, đại sứ quán, trước hết là các thị trường ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ FTA đã có nhưng chưa cao.

Thứ hai, Bộ Công Thương phải tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, từ đó đa dạng hóa hoạt động xuất nhập khẩu, tránh quá tập trung. Việc này giúp doanh nghiệp đỡ được những cú sốc khi mà Hoa Kỳ thay đổi trong chính sách hay trục trặc trong nền kinh tế. Tất nhiên, Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và đây đang là thị trường hiện Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất.

Thứ ba, phải tổ chức kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Làm sao để các đơn hàng có được nhiều hơn và thông suốt hơn.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong nước cần kết nối với nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu xanh hơn, sạch hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.

Việc kết nối để tạo ra chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt hay chuỗi giá trị thuần Việt có ý nghĩa quan trọng để nâng cao tên tuổi, thương hiệu quốc gia của các sản phẩm hàng hóa. Trên cơ sở đó mới tạo ra được giá trị cao hơn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ năm, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, việc này đã làm nhưng vẫn thiếu tính chủ động. Cần nâng cao tính chủ động trong bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại, phòng vệ thương mại. Từ đó có những xử lý nhanh chóng kịp thời để doanh nghiệp có thể đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu một cách thông suốt và an toàn hơn.

– Xin cám ơn ông!

Người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm bền vững, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sản xuất và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng. Về phía các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để từ đó có thể nắm bắt cơ hội xuất khẩu cũng như hạn chế các rủi ro.



Source link