Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Như vậy, trải qua 2 năm nhiều biến động về cả thị trường xuất khẩu và sản xuất trong nước, ngành cá tra Việt Nam đã vượt qua thách thức, thích ứng linh hoạt và quyết tâm mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội bứt phá xuất khẩu sang các thị trường.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: VASEP) |
Các doanh nghiệp cá tra đã nỗ lực cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng, tận dụng cơ hội nhu cầu tăng trở lại ở nhiều thị trường như Mỹ, Brazil, Colombia, Trung Đông và các nước CPTPP để bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Năm 2025 phía trước mang theo triển vọng và mở ra kỷ nguyên tươi sáng cho ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra. Theo đó, kinh tế tiếp tục phục hồi và nhu cầu tại các thị trường lớn bắt đầu gia tăng mạnh mẽ. Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia thuộc khối thị trường CPTPP sẽ tiếp tục là động lực quan trọng giúp cá tra Việt Nam phát triển.
Dù vậy, theo VASEP, chất lượng con giống – khâu quan trọng của ngành hàng vẫn còn chưa đạt. Cá giống tỷ lệ sống thấp, dễ bị bệnh không còn theo mùa vụ. Ương dưỡng giống cá tra hiện nay, tỷ lệ hao hụt trên 90%. Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đang đặt mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới giảm xuống dưới 85%, tỷ lệ cá sống đạt 15-20%.
Để nâng cao chất lượng giống, VASEP cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo các tính trạng cá giống (kháng bệnh, tăng tỷ lệ phile, chịu mặn,…) theo nhu cầu thị trường. Kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống theo quy định của Luật Thuỷ sản. Thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá giống tập trung tại Đồng Tháp, An Giang; hoàn thiện hệ thống giống cá tra 3 cấp.