TP.HCM khó đạt thu ngân sách năm 2023?

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu giảm, cho thấy khả năng TP.HCM không bảo đảm thu đủ ngân sách năm 2023 theo chỉ tiêu được giao.

Năm 2023, TP.HCM được giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 469.375 tỷ đồng (chỉ tiêu được giao năm 2022 là 469.681 tỷ đồng). Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tính đến hết tháng 11/2023, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện được 401.489 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ.

Ba khu vực giảm nhiều nhất là thu nội địa (giảm 4,7%), thu từ dầu thô (giảm 15,3%) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (giảm 15,3%).

Cụ thể: Thu nội địa ước thực hiện 268.302 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán, chiếm 66,8% tổng thu cân đối và giảm 4,7% so với cùng kỳ. Chia ra: Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 26.885 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán, chiếm 6,7% tổng thu và giảm 8,0%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 78.626 tỷ đồng, đạt 90,3% dự toán, chiếm 19,6% tổng thu và tăng 3,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 67.271 tỷ đồng, đạt 90,3% dự toán, chiếm 16,8% tổng thu và giảm 4,8%.

Thu dầu thô ước thực hiện 22.431 tỷ đồng, vượt 40,2% dự toán, chiếm 5,6% tổng thu cân đối và giảm 15,8%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 110.750 tỷ đồng, đạt 76,0% dự toán, chiếm 27,6% tổng thu cân đối và giảm 15,3%.

Dự báo có khả năng TP.HCM sẽ thu hụt từ 4 – 5% so với chỉ tiêu dự toán được giao; bởi 3 khu vực thu ngân sách quan trọng là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều giảm sau, giảm cao nhất là dầu thô (15,8%) và thời gian còn lại của năm 2023 chỉ vỏn vẹn dưới một tháng.

Các tỷ lệ này so với kết quả 10 tháng đầu năm 2023, tuy có tăng đôi chút những vẫn giảm sâu. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đạt 372.708 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán và giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2022. Bao gồm: Thu nội địa ước thực hiện 250.967 tỷ đồng, đạt 81,6% dự toán và giảm 5,2% so cùng kỳ; thu từ dầu thô ước đạt 20.206 tỷ đồng, vượt 26,3% dự toán và giảm 16,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 101.529 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, chiếm 27,2% tổng thu cân đối và giảm hơn 13%.

Với tỷ lệ thu đạt 79,4% dự toán trong 10 tháng, Sở Tài chính TP.HCM từng đưa ra nhận định rằng để hoàn thành hơn 20% dự toán còn lại trong 2 tháng cuối năm là rất khó khăn. Thông thường, thu ngân sách tháng 12 là tháng cuối năm chỉ có thể đạt tối đa từ 9 – 10% dự toán. Như vậy, với tháng 11 vừa qua Thành phố thu ngân sách đạt khoảng 5% trong tỷ lệ hơn 20% còn lại thì kịch bản đến cuối năm, khả năng TP.HCM sẽ hụt thu ít nhất 5%.

Mặc dù TP.HCM nằm trong nhóm các địa phương thu ngân sách thấp nhất cả nước trong những tháng gần đây, nhưng cũng nằm trong đà giảm thu chung của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước thực hiện 1.537,6 nghìn tỷ đồng, đạt 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.272,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán năm và giảm 3%; thu từ dầu thô ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, bằng 135,9% dự toán năm và giảm 19,3%; và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 206,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán năm và giảm 22,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Thuế thu nhập cá nhân và thu từ đất đai, bất động sản là hai trong số các nguồn thu thế mạnh của TP.HCM. Song tình hình kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng trong năm 2023, như đã nói còn gặp rất nhiều khó khăn: Thu nhập của doanh nghiệp và người dân giảm sút, bất động sản đóng băng,… Thành phố đã và đang triển khai một loạt chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ như miễn giảm gia hạn thuế, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… cho người dân, doanh nghiệp. 

Bên cạnh các chính sách kích cầu tiêu dùng đang thực hiện, Thành phố đang đẩy nhanh triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm với tinh thần không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.


Source link