Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết chính thức vận hành Cổng Thông tin điện tử EPR Quốc gia với tên miền: https://epr.monre.gov.vn/vi/.
Cổng Thông tin điên tử EPR quốc gia giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường) phải thực hiện việc đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến thay vì nộp bản giấy về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 4 Điều 87 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Để xác thực các thông tin đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng Thông tin EPR quốc gia, các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện phải sử dụng phần mềm hỗ trợ ký số trên Window, Linux, Mac. Trường hợp cần được hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể quét mã QR được cung cấp trên Cổng thông tin này.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trước khi vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia, Bộ đã tổ chức xây dựng, cho vận hành thử nghiệm trên thực tế để các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký, kê khai thử nghiệm và có ý kiến góp ý để hoàn thiện, cập nhật.
Việc chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia sẽ giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu thuận lợi, dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí tuân thủ trong đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng Thông tin điện tử EPR quốc gia, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể truy cập Cổng thông tin này để cập nhật các thông tin về quy định pháp luật và giải đáp pháp luật liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.
Từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm hướng đến Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.
Source link