Thông tin này được Tập đoàn bảo hiểm và tài chính tín dụng SACE (Italy) công bố tại TP.HCM ngày 7/5, đánh dấu điểm đến đầu tiên trong hành trình mở rộng hoạt động sang thị trường Đông Nam Á.
Sau TP.HCM, điểm đến tiếp theo trong những ngày tới sẽ là Singapore, với mục tiêu hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Italy sang các nước ASEAN. Tận dụng vị trí chiến lược của Việt Nam và Singapore trong toàn khu vực, SACE mong muốn góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối kinh tế tại đây.
Theo đánh giá của SACE, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực, trung bình gần 5% GDP hằng năm trong giai đoạn 2018-2022. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty Italy đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc cam kết “cởi mở” thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, ngày càng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Italy, điển hình là kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 6 tỷ EUR vào năm ngoái.
Sở hữu danh mục giao dịch trị giá 260 tỷ USD, SACE hoạt động như một “chất xúc tác” thương mại, cung cấp cho các tập đoàn và chính phủ các nước trên thế giới giải pháp bảo hiểm và tài chính toàn diện. Nhờ vậy, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ và sản phẩm tiên tiến từ Italy để thúc đẩy hoạt động đầu tư và phát triển. Tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn như Nutifood, PVPower cũng đã hợp tác với SACE trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng.
Tại buổi công bố kế hoạch ngày 7/5, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của SACE, bà Michal Ron, cho biết sự phát triển kinh tế nhanh chóng và vai trò quan trọng trong chuỗi công nghiệp toàn cầu đã giúp Việt Nam trở thành một đối tác nhiều tiềm năng của Italy. Thông qua việc xây dựng đội ngũ tại TP.HCM, SACE đánh giá cho việc đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào các dự án mới mang tính thách thức và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp.
Italy là một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại châu Âu về máy móc chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau như công nghệ năng lượng tái tạo và hàng hoá môi trường.
“SACE sẵn sàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang tính cạnh tranh cao thông qua giải pháp bảo hiểm và các giải pháp khác. Bên cạnh đó, thông qua Chiến lược Thúc đẩy (Push Strategy), chúng tôi cũng sẵn sàng với hơn 10 tỷ USD cho việc hỗ trợ các kế hoạch phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng trên phạm toàn cầu với sự tham gia của các nhà cung cấp đến từ Italy”, bà Michal Ron cho biết thêm.
Được biết, trong khuôn khổ chương trình Chiến lược Thúc đẩy (Push Strategy), SACE cung cấp cho các tập đoàn quốc tế khả năng tiếp cận nguồn tài chính trung và dài hạn nhằm hỗ trợ các kế hoạch đầu tư và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Một phần cơ bản và không thể thiếu của thỏa thuận với các khách hàng quốc tế là cam kết xem xét nguồn cung “Made in Italy” (sản xuất tại Italy) phù hợp các kế hoạch đầu tư của họ. Cam kết này được thúc đẩy thông qua một loạt các cuộc gặp gỡ kết nối doanh nghiệp (business matching event) do SACE phối hợp cùng các hiệp hội và tổ chức kinh doanh quốc tế thực hiện. Cho đến nay, SACE đã tổ chức hơn 160 sự kiện kết nối doanh nghiệp, với sự tham gia của khoảng 6.000 công ty Italy (chủ yếu là các doanh nghiệp SMEs).
Source link