Giá cà phê Robusta tăng, thị trường cà phê diễn biến ra sao? Giá cà phê Robusta và Arabica liệu có bước vào chu kỳ tăng giá mới? |
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 235 USD/tấn, ở mức 3.734 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 237 USD/tấn, ở mức 3.673 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 10,5 cent/lb, ở mức 217,2 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 10,25 cent/lb, ở mức 216 cent/lb.
2 mặt hàng cà phê bất ngờ tăng vọt. Trong đó, cà phê Robusta tăng 6,72%, cà phê Arabica tăng 5,08%. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng xuất khẩu cà phê của Brazil đã hỗ trợ giá tăng cao, bất chấp nguồn cung có tín hiệu được nới lỏng.
Trong tháng 4, 95 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 80% tổng số tàu đã bị trì hoãn tại cảng Santos, nơi vận chuyển cà phê chính của Brazil. Thời gian tàu bị tắc lâu nhất lên tới 30 ngày, theo bản tin của ElloX Digital hợp tác với Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE).
Tình trạng ùn tắc cũng diễn ra tại các cảng khác như Rio de Janeiro tỷ lệ khoảng 70%; ở Paranagua là 42% và Salvador (BA) 29%,…. Nhìn chung, 210 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 54% trong tổng số 391 tàu container, đã bị trì hoãn trong tháng 4.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của hầu hết các quốc gia sản xuất chính. Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Colombia dự kiến đạt 12,4 triệu bao và xuất khẩu tăng lên khoảng 12 triệu bao. Tại Peru, sản xuất và xuất khẩu cà phê vụ 2024-2025 tăng lần lượt 7% và 6% so với vụ trước.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm |
Giá cà phê tăng mạnh trở lại. Theo chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình, niềm tin Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9/2024 tới giúp cà phê tăng mạnh phiên vừa qua.
Áp lực lạm phát của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 4/2024, kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt để là cú hích cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất, dự kiến vào đầu tháng 9.
Theo đánh giá, thị trường cà phê hiện nay đang đòi hỏi những cách nhìn, nhận định vượt khỏi tầm của các con số sản lượng, yếu tố cung – cầu. Thông tin được mùa, mất mùa đôi khi chỉ giúp tạo nên tâm lý thị trường như thiên về đầu cơ giá lên, tạo áp lực bán nếu ai đó thích giá xuống.
Ông Nguyễn Quang Bình nhận định, tại các sàn kỳ hạn, giá tăng hay giảm đều có phần điều hành chính sách tiền tệ từ Fed. Sở dĩ giá cà phê leo thang trên thị trường nội địa từ đầu niên vụ 2023-2024 đến hết tháng 4/2024 mà nhiều nhà xuất khẩu chuyên nghiệp không ghìm được, có thể nói do nguồn vốn, tín dụng thu mua không đủ, không kịp thời, người kinh doanh chuyên nghiệp không quản được giá mà giá nằm trong tay những nhà đầu cơ nhỏ lẻ.
Có thể những người này giữ một lượng hàng thực không nhiều, nhưng biết sử dụng tốt công cụ tài chính để lèo lái giá, cho giá leo thẳng đứng vì lợi nhuận mà bất cần đến chuyện lợi hay hại cho chuỗi cung ứng kể cả uy tín ngành hàng đối với thị trường cà phê thế giới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (21/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ đồng loạt tăng 1.500 – 1.600 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 105.000 – 105.800 đồng/kg. Như vậy, dù đã giảm mạnh gần 30.000 đồng/kg so với mức đỉnh thiết lập vào hồi tháng 4, cà phê nội địa vẫn duy trì vững vàng trên vùng giá 100.000 đồng/kg.
Nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định, các yếu tố cơ bản của thị trường như thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là cà phê Robusta, cùng với nhu cầu tiêu thụ mạnh vẫn đang hỗ trợ giá cà phê. Việc giá giảm mạnh trong 2 tuần đầu tháng 5/2024 chỉ là ngắn hạn do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới.
Mặc dù kịch bản giá có quay trở lại đỉnh cũ, gần 140.000 đồng/kg, hay không sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi Brazil và Indonesia đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá cà phê trong nước hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn đáng kể so với các năm trước đây. Đồng thời, các chuyên gia nhận định, giá khó có thể giảm quá sâu về những vùng giá thấp như các năm trước.
Trên thị trường xuất khẩu, trong tháng 4/2024, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 3.768 USD/tấn, tăng 6% so với tháng trước và tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu tăng 49,1% lên mức bình quân 3.389 USD/tấn.
Về thị trường, EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 40,8% tổng khối lượng xuất khẩu với 300.885 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 2,8%; Italy tăng 4,8%; Tây Ban Nha tăng 53,7%; Hà Lan tăng 60,5%…
Nhật Bản đứng ở vị trị tiếp theo với 50.134 tấn, trị giá 181,1 triệu USD, tăng 32,6% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác trong khu vực châu Á cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Indonesia tăng 74,9%; Philippines tăng 121,8%; Trung Quốc tăng 33,2%; đặc biệt Thái Lan tăng 203,9%; Malaysia tăng 67,9%..