Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘rón rén’ chờ chính sách từ Ấn Độ
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quốc gia này đặt mục tiêu sản xuất 340,4 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ năm 2024 – 2025, trong đó, dự kiến sản lượng 159,97 tấn từ mùa Kharif (vụ Hè từ tháng 6 đến tháng 10), 164 tấn từ mùa Rabi (vụ Đông Xuân) và 16,43 tấn từ mùa Zaid (từ tháng 3 đến tháng 6), gồm 136 tấn gạo và 115 tấn lúa mì, 39 tấn ngô. Năm 2023 – 2024, sản lượng gạo đạt 123,82 tấn, lúa mì đạt 112,02 tấn và ngô là 32,47 tấn.
5 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, đem về 2,65 tỉ USD |
Theo dự báo của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), lượng mưa mùa hè tại Ấn Độ năm 2024 sẽ “cao hơn mức trung bình”, là điều kiện thuận lợi cho vụ mùa lúa Kharif. Do đó, dự kiến sản lượng lúa gạo trong vụ mùa Kharif sẽ tăng (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng lúa gạo của Ấn Độ). Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ xem xét dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu gạo trên cơ sở sản lượng gạo dư thừa và kỳ vọng tích cực từ mùa vụ gieo trồng mới.
Ấn Độ công bố đã thu mua vượt mức kỷ lục của năm ngoái là 26,2 triệu lúa mì mùa Rabi, 72,8 triệu tấn thóc và đặt mục tiêu thu mua khoảng 300 – 320 tấn ngũ cốc trong năm 2024 – 2025. Hiện tổng lượng dự trữ lúa mì và gạo của Ấn Độ đạt hơn 60 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực của Ấn Độ.
Năm 2023, do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, lượng mưa dưới mức trung bình, sản lượng lúa thấp nên Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng, áp thuế vận chuyển 20% đối với gạo đồ, chỉ cho phép xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của một số nước. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo bán lẻ tại Ấn Độ đã tăng 12,69%. Tháng 5/2024, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ là 531 – 539 USD/tấn, gạo thơm Basmati có giá xuất khẩu là 950 USD/tấn.
Mặc dù, Ấn Độ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati kể từ ngày 20/7/2023 nhưng gạo vẫn được phép xuất khẩu tới một số quốc gia nhất định. Trong năm 2023 – 2024, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,77 triệu tấn gạo sang 14 quốc gia châu Á và châu Phi. Trong đó, xuất khẩu gạo sang nước Nam Á đã đạt trị giá 567 triệu USD năm tài chính 2023 – 2024 so với 1,24 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo sang các nước ASEAN là 341 triệu USD so với 541 triệu USD năm tài chính 2022 – 2023. Hiện Ấn Độ dự kiến sẽ xuất khẩu 14.000 tấn gạo phi basmati sang Mauritius và 7.500 tấn hành sang Qatar thông qua Công ty TNHH Xuất khẩu Hợp tác Quốc gia (NCEL).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Tân Long – nhận định, Ấn Độ đang có chính sách an ninh lương thực nên họ hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách này không thể kéo dài mãi, đến lúc nào đó nguồn cung nội địa dư thừa, tồn kho nội địa lớn lên, Ấn Độ sẽ phải dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu. Chỉ cần Ấn Độ dỡ bỏ chính sách này thì giá gạo thế giới sẽ giảm ngay.
Thực tế, hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải ‘rón rén’, không dám mua lúa nhiều vì sợ tồn kho nhiều và đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thì giá sẽ giảm. “Thời gian qua một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng xác định khả năng Ấn Độ có thể nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ kéo giá gạo xuất khẩu các nước giảm, trong đó, có Việt Nam”, ông Trương Sỹ Bá cho hay.
Dự báo xuất khẩu gạo có thể vượt mục tiêu 7,6 triệu tấn trong năm nay
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, đem về 2,65 tỉ USD, tăng 14,7% về lượng và 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, gạo có giá xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 5/6, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới ở mức 573 USD/tấn (gạo 5% tấm), 552 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 483 USD/tấn (gạo 100% tấm), giảm 4 – 5 USD/tấn so với thời điểm cách đây 4 ngày. So với các nước xuất khẩu gạo truyền thống, gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang thấp hơn gạo Thái Lan và Pakistan, đây cũng là lợi thế cạnh tranh của gạo Việt khi chào bán trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho biết, dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ khởi sắc nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo còn có cơ hội tăng trưởng khi Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn, có khả năng duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đến tháng 9.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Việt Nam có thể vượt mục tiêu xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2024 và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lúa gạo của thế giới.
Còn theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2024, diện tích lúa ước đạt 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc. Từ nay đến cuối năm, diện tích gieo cấy lúa dự kiến đạt khoảng 2,89 triệu ha; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu ha và sản lượng dự kiến là 25,56 triệu tấn. Việt Nam còn dư lúa gạo, đủ để xuất khẩu từ 7 – 8 triệu tấn.