Doanh nghiệp Việt cần chủ động nắm bắt xu hướng để cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Chia sẻ tại Hội nghị chuyên ngành Thương mại Xuất khẩu 2024 với chủ đề “Hiện tại và tương lai của ngành B2B Sourcing – Giải pháp thăng hạng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu” ngày 18/6, các ý kiến đều cho rằng để ứng phó với những biến động bất ổn trên thế giới, như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng biển Đỏ… các nhà mua đang tìm kiếm những giải pháp mới nhằm bảo vệ cho chuỗi cung ứng của mình không bị đứt gãy.

NHỮNG XU HƯỚNG TÌM NGUỒN CUNG MỚI

Cụ thể, ông Sam Hui, Phó Chủ tịch, Global Sources cho biết 20 năm trước, khách hàng EU chủ yếu đến Trung Quốc tìm nguồn cung, nhưng hiện nay họ chuyển dịch sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để sản xuất, gia công và tìm nhà cung ứng ổn định.

Nhiều tập đoàn đã dịch chuyển cơ cấu sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực châu Á, Đông Âu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào những quốc gia nhiều rủi ro, cũng như dễ dàng kiểm soát chất lượng…

Một xu hướng nữa, hiện nay các nhà mua quan tâm nhiều hơn tới trách nhiệm xã hội và môi trường của sản phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguyên vật liệu đòi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, sản xuất phải đảm bảo giảm tác động có hại tới môi trường.

Đồng tình, bà Hương Trần, Trưởng phòng Tư vấn Chuỗi cung ứng, Source of Asia cũng cho rằng chiến lược hiện tại của các doanh nghiệp đầu chuỗi là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường khác ở Đông Nam Á.

Đặc biệt, xu hướng mua hàng mới và đang có nhu cầu lớn tại thị trường EU và Mỹ theo bà Hương Trần, đó là một số sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, sản phẩm thông minh IoT, thiết bị kết nối bluetooth, máy hàn điện tử… Hay những sản phẩm trong công nghiệp như nồi hơi, robot…

Hiện nay khách mua đã tiến sâu hơn vào xu hướng sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, đặt hàng ở Việt Nam và phân phối trên thị trường châu Á.

Theo bà Hương Trần, Việt Nam có nhiều lợi thế tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, như chính sách thu hút FDI tốt, nền kinh tế tăng trưởng tích cực… Việt Nam có lợi thế về những mặt hàng xuất khẩu nổi trội như điện- điện tử, may mặc, máy móc thiết bị, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Tuy nhiên, đại diện Source of Asia cũng thẳng thắn chỉ rõ, thách thức với chuỗi cung ứng điện – điện tử Việt Nam là hàm lượng giá trị khi tham gia chuỗi còn thấp.

CẦN HIỂU RÕ XU HƯỚNG

Để thành công khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hương Trần cho rằng tay nghề người lao động trong doanh nghiệp cần được nâng cao. Doanh nghiệp cần tìm hiểu những chứng chỉ cần có để xuất khẩu được sang những thị trường khó tính, các quy định như Tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu (CE),  Tổ chức hợp tác giữa các phòng thí nghiệm (UL), Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO)… Một số nhà mua yêu cầu chứng chỉ về SA800, chứng chỉ môi trường…

Đồng thời đảm bảo tính phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng, như việc phải tuân thủ các quy định của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon  (CBAM) khi xuất khẩu sang thị trường EU, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam cần có các giải pháp tuân thủ.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đặt ra mục tiêu đâu là khách hàng mà mình hướng tới. Theo kinh nghiệm của bà Hương Trần, doanh nghiệp nên bắt với các đơn hàng nhỏ và trung, vì nếu không có đơn hàng nhỏ, thì không thể bắt đầu ngay với đơn hàng lớn được.

Ngoài ra, đại diện Source of Asia lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần linh động hoá trong chuỗi cung ứng. Vì nguyên phụ liệu doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc là chính, do đó cần tìm nguồn nguyên vật liệu trong nước, không nên phụ thuộc vào số ít nhà cung cấp.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần đầu tư vào cơ sở vật chất và con người khi tham gia chuỗi cung ứng. Cần có kỹ năng tiếng Anh tốt, am hiểu thị trường nước ngoài… có như vậy mới thu hút sự chú ý của người mua.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng về hoạt động của doanh nghiệp mình. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm tới vấn đề này, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về doanh nghiệp mình, điều này khiến mất đi sự tin tưởng của khách hàng.

Một điểm nữa, theo bà Hương Trần, nhu cầu khách hàng thay đổi liên tục nên cần nắm bắt nhanh chóng để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Cần có hệ thống liên kết các doanh nghiệp đủ mạnh để cung cấp số lượng lớn hàng hoá trong chuỗi cung ứng.

Dưới góc độ nhà kết nối nguồn cung ứng B2B, Phó Chủ tịch Global Sources nhận định, ngày nay, việc hiểu rõ xu hướng tìm nguồn cung ứng của nhà mua hàng là điều quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường xuyên biên giới. Khi toàn cầu hóa phát triển, các công ty phải bắt kịp những xu hướng mới nhất trong việc tìm nguồn cung ứng quốc tế nếu muốn giữ vững vị thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nền tảng của Global Sources để tiếp cận được dữ liệu phân tích thực tế về hành vi khách hàng và công cụ cần thiết giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong môi trường năng động hiện nay và mở ra những cơ hội mới bền vững trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Triển lãm Nguồn cung ứng Quốc tế (Global Sourcing Fair Vietnam) được tổ chức vào tháng Tư hàng năm, thu hút những nhà mua hàng từ Mỹ, Anh, châu Âu, Úc và châu Á đến tìm nguồn cung ứng như thời trang và phụ kiện, nhà cửa và quà tặng từ các nhà sản xuất châu Á. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam lọt được chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nắm bắt cơ hội trong ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng ngành điện tử Việt Nam vẫn còn chứa đựng nhiều khó khăn, tuy nhiên cơ hội bứt phá sẽ đến với những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ và vận dụng thế mạnh của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.


Source link