Dự báo giá cà phê Robusta và Arabica sẽ giảm trong thời gian tới

Những ngày đầu tháng 6/2024, giá cà phê Robusta tăng do nguồn cung vẫn rất khan hiếm, một phần do lo ngại về vụ mùa ở Việt Nam, trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển và mặt bằng hàng hóa tăng. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn cảng biển đang lan rộng tại khu vực châu Á khiến giá cước tàu biển trên các tuyến đi Hoa Kỳ và châu Âu tăng vọt và lượng lớn hàng hoá bị kẹt tại các cảng. Điều này có thể gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cà phê tạm thời, đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới neo ở mức cao.

tính đến hết ngày 15/6, nước ta đã xuất khẩu hơn 862.400 tấn cà phê các loại, thu về khoảng 3,04 tỷ USD.
Tính đến hết ngày 15/6, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 862.400 tấn cà phê các loại, thu về khoảng 3,04 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty tư vấn Safras & Mercado, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil đã hoàn thành 29% tính đến ngày 4/6, cao hơn mức 26% cùng thời điểm niên vụ 2023/24 và cao hơn mức trung bình 5 năm là 27%. Mặc dù cà phê từ vụ mùa mới của Brazil vẫn chưa xuất hiện nhiều trên thị trường, nhưng nguồn cung cà phê Arabica từ các nguồn khác trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Theo dữ liệu của ICO, các lô hàng toàn cầu đã tăng 11% từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024, so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo giá cà phê Robusta và Arabica sẽ giảm trong thời gian tới. Dự kiến vụ thu hoạch cà phê tại Brazil sẽ kết thúc trong tháng 7/2024. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê vụ này của Brazil có thể đạt 69,9 triệu bao (60 kg/bao); trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến tăng 7,35% và sản lượng cà phê Robusta ước tăng 1,4%. Các con số này cao hơn một chút so với dự báo từ các hãng nghiên cứu thị trường. Khi nguồn cung mới từ Brazil được tung ra thị trường, giá cà phê thế giới có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh giảm.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/6, nước ta đã xuất khẩu hơn 862.400 tấn cà phê các loại, thu về khoảng 3,04 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu giảm 7,8% nhưng giá trị lại tăng mạnh 38,8%.

Dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng ngành hàng này vẫn lập kỷ lục lịch sử khi kim ngạch vượt 3 tỷ USD trong chưa tới nửa năm. Con số này cũng tương đương với kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả năm 2021.

Trong số 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam 5 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Italia, Hoa Kỳ, Nga giảm thì xuất khẩu sang các thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc tăng.

Trong đó, xuất khẩu cà phê sang thị trường Tây Ban Nha tăng 102%; thị trường Philippines tăng 140,5% và thị trường Hà Lan tăng 107,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, với sản lượng cà phê của nước ta, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sẽ đạt con số trên 5 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử.



Source link