Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 22,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, tăng 8,6%.
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Năm 2024, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam và kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản,… các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn…
Tại “Hội nghị thông tin về cơ hội và thách thức trong xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc” mới đây, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thuộc Bộ Công Thương, cho biết Trung Quốc có quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ cao và là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Song bên cạnh những cơ hội to lớn, việc xuất khẩu hàng nông sản vào Trung Quốc cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện nước này có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các quy định, rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.
Hơn nữa, xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang Trung Quốc còn vướng mắc ở vấn đề mở cửa thị trường. Bộ Công Thương cho biết theo quy định của phía Trung Quốc, muốn mở cửa chính thức một loại trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc, Cơ quan phụ trách kiểm dịch nước xuất khẩu cần có văn bản đề nghị chính thức với Cơ quan phụ trách kiểm dịch của Trung Quốc lựa chọn, đề xuất những loại mặt hàng trái cây cần được mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ tiến hành các bước đánh giá rủi ro, đăng ký vườn trồng, đăng ký doanh nghiệp đóng gói, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu trước khi hoàn thiện Nghị định thư cho phép trái cây đó được phép chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ngoài ra là sự phụ thuộc và ỷ lại vào xuất khẩu “tiểu ngạch” (trao đổi cư dân biên giới). So với các thành viên ASEAN, Việt Nam giữ lợi thế là quốc gia duy nhất có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, ưu thế này lại khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam ỷ lại vào hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Điều này kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm, tìm hiểu và tổ chức sản xuất, xuất khẩu tuân theo các quy định pháp luật liên quan của phía Trung Quốc về quản lý hàng hóa nhập khẩu thông thường (chính ngạch) – điều mà mọi doanh nghiệp đều phải làm nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang bất cứ một thị trường nước ngoài nào.
Đặc biệt, những hạn chế trong khâu tổ chức sản xuất và thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho hoạch định đầu tư, quản lý chất lượng. Điều này khiến chất lượng nông sản, trái cây Việt Nam không đồng đều. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên năng suất cây ăn quả Việt Nam nhìn chung còn thấp so với bình quân chung thế giới và khu vực, làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
NÂNG CHẤT LƯỢNG, ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Để phát triển thị trường Trung Quốc, theo ông Sơn việc nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với những thay đổi ở thị trường này là vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cơ bản đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý là làm sao giữ vững được thị phần cũng như tăng thêm giá trị gia tăng cho trái cây xuất khẩu. Đối với các loại nông sản mà tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang thị trường còn khiêm tốn như xoài, nhãn,… cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Đồng thời, chủ động tuyển dụng nhân viên thông thạo tiếng Trung để có thể giao dịch trực tiếp, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của phía Trung Quốc để chủ động hơn trong kinh doanh với thị trường này.
Bộ Công Thương lưu ý cần hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình xuất khẩu trái cây, cụ thể như thông tin trên giấy chứng nhận kiểm dịch, trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần khớp với thực tế lô hàng xuất khẩu, tránh việc các cơ quan liên quan phía Trung Quốc không cho phép thông quan do vướng phải các sai sót nêu trên, trong khi thực tế hàng xuất khẩu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại như chủ động tham gia các Hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực nông sản tại Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản đã có thương hiệu (như gạo, xoài, vải, cà phê…), qua đó tìm kiếm các nhà nhập khẩu uy tín nhằm xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy, bài bản…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Source link