Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, trong năm 2022 kim ngạch thương mại của các quốc gia Hồi giáo lên tới khoảng 2.300 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chủ đạo là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thời trang.
THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM HƠN 1,400 TỶ USD
Thông tin tại hội thảo “Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho biết riêng chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm hàng năm lên đến khoảng 1.400 tỷ USD. Do nhiều quốc gia nằm ở những khu vực có khí hậu khô hạn, không thích hợp cho trồng trọt, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu thực phẩm cao. Đây là một cơ hội lớn cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu đến các quốc gia thành viên của Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal được quy định theo tiêu chuẩn GSO (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa GCC), bao gồm: thực phẩm và nông sản phải được sản xuất từ nguyên liệu không chứa thành phần bị xem là Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo); quy trình sản xuất và đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal; đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng và quy định của pháp luật Việt Nam; các sản phẩm phải được đóng gói và ghi nhãn rõ ràng theo quy định của hệ thống đảm bảo Halal (HAS).
Ông Lê Châu Hải Vũ, chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty cổ phần Consultech, cho biết thị trường Halal toàn cầu trị giá hơn 2.000 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD trong những năm tới. Đây thực sự là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Chỉ tính các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal đã đạt tới 444,7 tỷ USD, với giá trị nhập khẩu là 265,1 tỷ USD.
Trong các thành viên của OIC, Việt Nam có lợi thế lớn khi nằm cùng khu vực với hai quốc gia nhập khẩu thực phẩm Halal lớn nhất là Indonesia và Malaysia với kim ngạch lần lượt là 25,8 tỷ USD và 22,74 tỷ USD.
Một thị trường lớn khác mà các doanh nghiệp cần lưu tâm là khu vực các nước thuộc Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh có thu nhập bình quân cao và nền kinh tế phát triển, trong đó nổi bật nhất là Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) với giá trị nhập khẩu thực phẩm Halal đạt 19,87 tỷ USD và 17,74 tỷ USD.
Không chỉ riêng những quốc gia Hồi giáo mà ngay cả những nước như Mỹ, Nga và các nước châu Âu cũng có lượng nhập khẩu thực phẩm Halal lớn do các sản phẩm này có chất lượng cao, tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Một điểm đáng chú ý nữa là với cùng một mặt hàng, giá các sản phẩm được cấp chứng nhận Halal luôn cao hơn từ 5-10%. Đây là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam.
DOANH NGHIỆP VIỆT THAM GIA HALAL CÒN HẠN CHẾ
Dù liệt kê các cơ hội lớn khi thâm nhập vào thị trường Halal, các chuyên gia cho biết vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường này, do ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất, hiện tại chỉ có 2 cơ sở trong nước được phép cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó lớn nhất là Công ty HCA Việt Nam. Do thiếu nơi cấp chứng nhận tiêu chuẩn Halal, một số doanh nghiệp đã buộc phải tìm đến các công ty nước ngoài để đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn có tư duy và trình độ quản lý vận hành yếu; thiếu sự đầu tư cho trang thiết bị sản xuất cũng như công cụ kiểm soát chất lượng; cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch tốt để tối ưu hóa sản xuất và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ ba, doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác đã xây dựng được chỗ đứng trong thị trường Halal, trong đó mạnh nhất chính là Ấn Độ, Brazil và Mỹ….
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2024 phát hành ngày 29/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Source link