Làm gì để nông sản xuất khẩu không bị phạt ‘thẻ đỏ”?

Giới hạn dư lượng hóa chất nông nghiệp với nông sản xuất khẩu được Nhật Bản đề xuất ra sao? Xuất khẩu EU: Lại lo ngại nông sản Việt vượt ‘barie’

Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện doanh nghiệp sầu riêng tại tỉnh này dán mã đóng gói ở TP. Hồ Chí Minh để đưa đi xuất khẩu.

Theo đó, kiểm tra đột xuất Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp tại thôn 19-5 (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), đoàn phát hiện tổ chức này đã “gắn nhầm” 2 mã đóng gói trong các thùng sầu riêng chuẩn bị đưa lên container xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Chủ doanh nghiệp này sau đó cũng thừa nhận đến nay doanh nghiệp của mình chưa dán mã đóng gói của đơn vị được cấp vì ông chưa xin được mã vùng trồng khớp với cơ sở đóng gói của mình.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng “hot” trên thị trường hơn 2 năm trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc ký nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt 1,5 tỉ USD.

Quý 1/2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023 lên mức 57% trong quý 1/2024.

Doanh nghiệp sầu riêng ‘dán nhầm’ mã số vùng trồng: Làm gì để nông sản xuất khẩu không bị phạt ‘thẻ đỏ”?
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh

Để tạo điều kiện cho các cơ sở đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, phía bạn đã cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu. Tính đến hết quý I/2024, theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Nói cách khác, đây chính là tấm “giấy thông hành”, là “tấm hộ chiếu” dành cho các cơ sở đủ điều kiện theo các tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra để có thể xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm, nhu cầu sầu riêng từ thị trường tỷ dân tăng nhanh đã khiến các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, khiến nhiều hộ dân, doanh nghiệp “mượn” mã số vùng trồng, gian lận để xuất khẩu. Suốt trong thời gian qua, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng cao, các cơ quan chức năng liên tục ra các thông báo về việc mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng nhằm trục lợi từ các cơ sở chưa đủ điều kiện xuất khẩu.

Nhìn từ Thái Lan – một quốc gia nổi tiếng về trái sầu riêng, có thể thấy, phía bạn quản lý rất chặt mã số vùng trồng. Theo đó, việc xây dựng mã số vùng trồng cho quả sầu riêng đã được thực hiện cách đây 10 năm.

Nông dân khi có mã số thì được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải kiểm tra trái, nếu chất lượng đảm bảo mới cắt bán cho doanh nghiệp. Những nông dân nào cố tình cắt lẫn cả trái còn non, chưa đủ độ già sẽ bị xử phạt nặng bởi như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu quốc gia của loại quả này.

Ngoài ra, nước này còn xử lý rất nghiêm các trường hợp giả mạo, gian lận mã số vùng trồng, đưa những hành vi vi phạm vào trong luật. Bộ luật hình sự quy định bất kỳ người bán nào lừa dối người mua về nguồn gốc, bản chất, chất lượng hoặc số lượng hàng hóa sẽ bị phạt tù lên đến đến 3 năm hoặc phạt tiền tối đa là 60.000 Baht (khoảng 40 triệu đồng).

Tính đến nay, Thái Lan đã có khoảng 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói sầu riêng. Những lô hàng dù xuất phát từ các cơ sở có mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu nhưng khi đến biên giới, hải quan nước này vẫn kiểm tra lần nữa. Nếu không đảm bảo chất lượng, họ sẵn sàng hủy bỏ hoặc yêu cầu hàng trở lại, để đảm bảo uy tín thương hiệu sầu riêng. Nếu vùng trồng nào bị vi phạm nhiều lần còn bị thu hồi mã số vùng trồng.

Trong bối cảnh Việt Nam xuất khẩu mạnh nông sản vào Trung Quốc, với việc tăng nhanh số lượng được cấp mã số vùng trồng, Trung Quốc càng tăng cường kiểm tra các quy trình, nhất là khi ngành chức năng phát hiện số lô vi phạm tăng. Khi vi phạm nhiều, phía Trung Quốc sẽ tăng cường tỷ lệ kiểm tra các lô hàng tại cửa khẩu, giám sát online tại vườn, tại cơ sở đóng gói, khiến cho chi phí xuất tăng lên.

Đáng chú ý, theo quy định của Trung Quốc, mỗi mã số vùng trồng sẽ tương ứng với diện tích sầu riêng nhất định được phép xuất khẩu. Chẳng hạn với mã số vùng trồng 5ha, thì sẽ cho phép xuất khẩu được 100 tấn sầu riêng. Khi có hiện tượng doanh nghiệp lấy cắp mã vùng trồng số lượng xuất khẩu sẽ vượt nhiều so với quy định. Nếu hải quan đối tác phát hiện thì mã số vùng trồng sẽ bị xóa, thiệt hại nặng nề nhất là nông dân.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng các biện pháp kiểm soát chặt các mã số vùng trồng bằng cách giao quyền cho các địa phương kiểm soát chặt các mã số này. Bên cạnh đó, tăng chế tài xử phạt cho các trường hợp làm sai quy định.

Nỗ lực của cơ quan chức năng là thế, song hiện nay, việc vi phạm mã số vùng trồng vẫn chưa được xử lý triệt để. Thỉnh thoảng, một số vụ việc vi phạm nhỏ lẻ tại các nhà vườn lại bị cơ quan chức năng phát hiện và bị các cơ quan truyền thông công khai.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang gia tăng cảnh báo đối với nông sản Việt Nam. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh kiểm soát chất lượng sản phẩm bằng các hàng rào phi thuế quan. Do đó, thiết nghĩ, nỗ lực của cơ quan chức năng là chưa đủ. Các chế tài xử phạt dù mạnh đến đâu cũng không thể bao quát hết đến từng nhà vườn, từng cơ sở đóng gói. Điều quan trọng hơn cả chính là các nhà vườn phải tự nâng cao ý thức của mình trong việc bảo vệ tấm “giấy thông hành”, “tấm hộ chiếu” mà phía bạn cấp phép. Vì xét cho cùng, khi bị phát hiện gian lận, thiệt hại lớn nhất chính là người nông dân. Và việc bảo vệ cho từng sản phẩm của mình làm ra không bị phạt “thẻ đỏ” phụ thuộc lớn nhất vào ý thức của người nông dân.



Source link