Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý 2/2024, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 84,3% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
THÁCH THỨC TỪ NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết xuất khẩu da giày, túi xách 6 tháng năm 2024 ghi nhận những tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến ngành sẽ đạt 26 – 27 tỷ USD trong năm 2024. Khả quan là vậy, nhưng các doanh nghiệp da giày đang gặp một số thách thức khi chính phủ nước xuất khẩu đưa ra những quy định là rào cản cho xuất khẩu da giày Việt Nam thâm nhập vào.
Chẳng hạn, tại Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giấy chứng nhận mới có thể xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, quá trình thực hiện yêu cầu này rất vướng mắc. Mặt khác, ngành da giày đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đột biến, như thị trường Mexico. Ngoài ra, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên, phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ ở nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, trong đó có đạo luật về chống phá rừng, đạo luật liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng. Sắp tới là một loạt đạo luật liên quan tới sinh thái hay hộ chiếu số đối với sản phẩm mà phía EU sẽ áp dụng, đánh thuế đối với phát thải carbon những mặt hàng xuất khẩu vào EU…
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết trên 85% năng lực sản xuất của dệt may là phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam liên tục thay đổi chính sách, quy định đối với hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương, Trung Quốc); EU có những quy định mới liên quan đến chuyển đổi xanh…
“Ngành dệt may rất cần các cơ quan thương vụ ở nước ngoài sớm thông tin về những chính sách mới của thị trường liên quan để doanh nghiệp biết và tránh được thiệt hại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần sớm thúc đẩy việc đàm phán song phương hoặc ASEAN và Canada để hạn chế công đoạn sản xuất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng như các địa phương cần thúc đẩy thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để hình thành tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn để có thể sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng cho xuất khẩu của ngành”, ông Cẩm kiến nghị.
Tương tự với ngành công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết ngoài cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước những thách thức từ yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt là yêu cầu về vật liệu đầu vào phải được tái chế. Trong khi nhựa, thép tái chế ở Việt Nam cực kỳ kém cạnh tranh so với Trung Quốc, vì không thu hồi được nhựa từ dân sinh và công nghiệp để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp tái chế nhựa.
“Hiệp hội mong muốn các Thương vụ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại những thị trường phát triển, nước đang phát triển hoặc tương đồng trình độ Việt Nam đã làm tốt vấn đề này để xuất khẩu”, bà Bình kiến nghị.
Bà Bình cho biết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khả năng sản xuất đa dạng các mặt hàng để xuất khẩu, như: linh kiện xe máy, xe đạp; các sản phẩm liên quan đến tủ điện, hệ thống tự động hóa; nhựa; cao su; các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa, cao su; quạt gió, tua bin gió… Do đó, các doanh nghiệp rất cần thương vụ hỗ trợ thông tin, kết nối để mở rộng thị trường.
CẦN ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU
Trước chia sẻ về những vướng mắc của các ngành hàng, đại diện các Thương vụ Việt Nam đều nhận định, bên cạnh sự hỗ trợ của các Thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, bên cạnh sự phát triển kim ngạch thương mại giữa hai nước, hiện nay, Hoa Kỳ đang có rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế phòng vệ thương mại. Tính đến tháng 6/2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc. Dự kiến các vụ kiện sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Đối với hàng dệt may, để giữ vững vị thế xuất khẩu thứ 2 (sau Trung Quốc), ông Hưng cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục quan tâm đến các quy định của Hoa Kỳ về Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA). Đồng thời cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ phản ánh kịp thời với Cơ quan Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu. Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tham gia tích cực và hiệu quả Hội chợ quốc tế về dệt may và da giày Magic Show tổ chức tại Las Vegas trong thời gian tới.
Với mặt hàng điện tử và linh kiện, theo ông Hưng, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong quá trình triển khai hợp tác với đối tác Hoa Kỳ, bởi hiện nay nước này đang triển khai tích cực các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế nguy cơ các công nghệ và sản phẩm này rơi vào bên thứ ba.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia, cho biết các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo luôn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia. Riêng tổng 4 loại mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong 6 tháng năm 2024…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Source link