Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 7%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 341 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi tăng 16% trong quý I, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong quý II giảm 7%. Quý II năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 182 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ 2023.

Tồn kho tại Mỹ tuy có giảm nhưng sức mua của nhà nhập khẩu không cao do họ cho rằng giá tôm sẽ còn tiếp tục giảm nên chưa tăng cường mua vào. Cước tàu tăng cao đột biến 40% từ tháng 5 do các tàu phải đi vòng qua eo biển Hormuz.

Do Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, từ 50 – 100%, dẫn đến việc Trung Quốc gom hết container về nước để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Việc này khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng nhẹ
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 7%

Nửa đầu năm 2024, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh sang Mỹ dao động từ 9,6 – 10,1 USD/kg, giá tôm sú dao động từ 14,9-19,3 USD/kg. Giá trung bình tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ trong quý II năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với quý đầu năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu trung bình tôm sú sang Mỹ trong quý II năm nay có xu hướng ngược với tôm chân trắng. Giá tôm sú xuất khẩu sang Mỹ trong quý II năm nay có xu hướng giảm so với quý I năm nay. Giá trung bình xuất khẩu tôm sú giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6.

Theo FAS.USDA, Mỹ nhập khẩu 297.928 tấn tôm, trị giá 2,3 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm 1% và giảm 8% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5/2024, Mỹ nhập khẩu 63.973 tấn tôm, trị giá 486 triệu USD trong tháng 5/2024, tăng 3% về lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước do giá giảm xuống còn 3,59 USD/pao, giảm 3% so với tháng trước (3,7 USD/pao) và 8% so với tháng 5/2023 (3,92 USD/pao).

Như vậy, nhập khẩu tôm của Mỹ đã bắt đầu tăng từ tháng 5 mặc dù quy định sơ bộ về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu.

Theo truyền thống, nửa đầu năm Mỹ thường nhập khẩu khoảng 40%, nửa cuối năm 60%. Như vậy dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 5, tổng khối lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong năm 2024 có thể sẽ cao hơn năm 2023.

Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh từ 4 nguồn cung tôm lớn cho Mỹ gồm Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm của Việt Nam. Kết quả điều tra sơ bộ đã có và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến, tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra.

Trong tháng 8, Mỹ sẽ có quyết định nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường hay không. Kỳ vọng kết quả sẽ tích cực, thì tôm Việt xuất khẩu sang Mỹ sẽ “dễ thở” hơn.

Việc tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, cũng có thể có những cơ hội mới cho tôm Việt Nam.

Theo báo cáo, mức tăng trưởng 2,8% của GDP Mỹ trong quý II/2024 vượt qua dự báo của các nhà kinh tế và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ tăng 1,4% trong quý đầu năm. Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, lương tăng và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed dự kiến có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ.

Dự báo, nhu cầu mua tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ vào quí III,và giá tăng nhẹ kể từ tháng 7 trở đi nhờ nhu cầu tiêu thụ lễ hội cuối năm khiến sức mua của các nhà nhập khẩu tăng.

Trước nhiều thách thức, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và cải thiện quy trình quản lý.

Ngoài ra, việc tìm kiếm các thị trường mới cũng là một giải pháp quan trọng. Trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà còn tạo ra cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn.

Trong dài hạn, ngành tôm Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, bao gồm việc nâng cao chất lượng con giống, cải tiến quy trình nuôi trồng và chế biến, cũng như xây dựng các thương hiệu mạnh để tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.



Source link