Xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục 790 tỷ USD?

Xuất nhập khẩu đạt gần 450 tỷ USD, xuất siêu 14,53 tỷ USD Thương mại Việt Nam – Trung Quốc: Sôi động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ 2 tháng 7 (16-31/7/2024) đạt 37,17 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 4,48 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 7/2024.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch kỳ 2 tháng 7 đạt 19,89 tỷ USD, tăng 22,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với kỳ trước.

Xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục 790 tỷ USD?
Xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục 790 tỷ USD? (Ảnh: Cấn Dũng)

Về nhập khẩu, tổng trị kim ngạch kỳ 2 tháng 7 đạt 17,28 tỷ USD, tăng 5,2% (tương ứng tăng 852 triệu USD) so với kỳ trước.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng qua lên hơn 440 tỷ USD, tăng 17,2% (tương ứng tăng 64,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 31,34 tỷ USD); nhập khẩu đạt 212,97 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng 33,32 tỷ USD).

Trong kỳ 2 tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,6 tỷ USD, qua đó nâng mức thặng dư trong 7 tháng lên 14,52 tỷ USD (giảm 1,98 tỷ USD so với mức thặng của cùng kỳ năm trước).

Trước đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2024 (từ ngày 01/7 đến ngày 15/7/2024) đạt 32,69 tỷ USD.

Như vậy, xuất nhập khẩu tháng 7 của cả nước đạt xấp xỉ 70 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả xuất nhập khẩu hàng hoá thời gian qua, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong xúc tiến xuất khẩu hàng hoá. Chính các giải pháp xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ thời gian qua đã giúp mở rộng thị trường cho hàng hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, đem lại nhiều kết quả tích cực đối với một số mặt hàng, giúp hàng hoá Việt Nam tránh được một số rủi ro không đáng có.

Theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng sẽ mang lại những kết quả tích cực.

Từ nay đến cuối năm còn 5 tháng nữa. Nếu giữ vững con số 70 tỷ USD trong một tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước có thể đạt 790 tỷ USD, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây cũng không phải là dự báo quá xa vời, bởi thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hoá của hầu hết các thị trường đều tăng, đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên.

Trước đó, mức kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục được ghi nhận đạt được năm 2022 với con số 730,21 tỷ USD.



Source link