Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD

Dừa tươi Việt Nam trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Đẩy nhanh mở cửa thị trường sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc

Vừa qua, 3 mặt hàng gồm dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu đã nhận tin vui khi Nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được kí kết. Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 – 300 triệu USD trong năm nay và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Những ngày qua, nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long đang rất phấn khởi với thông tin này.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD
Ký nghị định thư, xuất khẩu dừa có thể tăng thêm 200 – 300 triệu USD trong năm 2024. Ảnh: Báo nongnghiep.vn

Dừa tươi được đánh giá là ngành hàng “tỷ đô”, có triển vọng xuất khẩu lớn. Hiện Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, đánh giá xuất khẩu dừa tươi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệp hội Dừa Việt Nam thống kê, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Bên cạnh sản xuất, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.

Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội cho các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh hay Bến Tre.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha.

Thời gian qua, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn Global Gap hay hữu cơ. Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu…. Sắp tới, với thị trường Trung Quốc, cũng có nhiều quy định, tiêu chuẩn rất khắt khe cần tuân thủ. Chỉ khi chuẩn bị thật tốt thì ngành dừa Việt Nam mới đi được đường dài.

Theo các doanh nghiệp, việc kí Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời, tạo động lực phát triển cho nhiều địa phương chủ lực về dừa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, ngành hàng dừa sẽ không khó để đạt con số này. Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch của loài cây công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng.



Source link