Nhiều doanh nghiệp da giày có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm

Ngành da giầy trước thách thức xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính Doanh nghiệp da giày khó tiếp cận thông tin về các luật mới

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu giày dép đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4%; túi xách đạt 1.621 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 77,9% tổng kim ngạch (giày dép 79,3%, túi xách 70%).

Nhiều dấu hiệu cho thấy, xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ từ những tháng cuối năm 2023, hiện nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (Thái Bình Group) là điển hình, hiện công ty đang tập trung sản xuất theo đơn hàng nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Bên cạnh sản xuất, công ty đang mở rộng các phân xưởng, thu hút thêm 10.000 lao động nhằm tiếp nhận thêm các đơn hàng mới, đồng thời để đáp ứng yêu cầu nâng cao sản lượng xuất khẩu ngay từ quý I/2025. Đến nay, công ty đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Ngành công nghiệp hỗ trợ da giày cần bứt phá mạnh mẽ
Nhiều doanh nghiệp da giày có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Ảnh: Cấn Dũng

Không chỉ Thái Bình Group, theo đại diện Hiệp hội Da giày Bình Dương, doanh nghiệp da giày trên địa bàn tỉnh hiện đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2024. Bên cạnh đó, nhờ điều kiện sản xuất trong nước ổn định nên lượng đơn hàng những tháng cuối năm đã dịch chuyển từ một số quốc gia châu Á về Việt Nam, mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành da giày trong thời gian tới.

Đáng chú ý, sản lượng da giày xuất khẩu của doanh nghiệp Bình Dương trong 7 tháng năm 2024 đạt bình quân 5 triệu đôi/tháng, tăng gần 1,1 triệu đôi/tháng so bình quân hàng tháng của năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu của ngành, số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 7 tháng năm 2024, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (giày dép 41,4 %, túi xách 47%), tiếp đến là EU (giày dép 29,5 %, túi xách 25,4 %). Châu Á hiện chiếm 22,2 % tỷ trọng xuất khẩu về giày dép và 24,5% về túi xách.

Tổng xuất khẩu da giày sang 16 nước lớn nhất chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể: Xuất khẩu sang Mỹ đạt 5.668,1 triệu USD, tăng 14,3%; Trung Quốc 1.180,5 triệu USD, tăng 6,4%; Nhật Bản 811,9 triệu USD, giảm 4,4%; Hà Lan 1.074,2 triệu USD, tăng 55,2%…

Da giày là một trong số ngành tận dụng tốt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Số liệu thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu mặt hàng da giày sang một số thị trường trong khu vực đạt kim ngạch tương đối cao như: Đức đạt 532,4 triệu USD, Bỉ 808,6 triệu USD, Hà Lan 1.074,2 triệu USD, Tây Ban Nha 335,8 triệu USD…

Tương tự, tại thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 2.098,3 triệu USD, tăng 6,1%. Tuy nhiên, tốc độ tăng giảm ở mỗi thị trường là khác nhau. Trong đó, thị trường Chi Lê có mức tăng cao nhất 20,2%, đạt 82,3 triệu USD, Mexico tăng 18,8%, đạt 307,5 triệu USD, tuy nhiên thị trường Peru giảm 10,5%, đạt 45,0 triệu USD, Úc giảm 3,7%, đạt 241,8 triệu USD…

Trong 7 tháng năm 2024, nhập khẩu thiết bị của ngành chỉ đạt 85,9 triệu USD, tăng 218% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu da thuộc đạt 1.068 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh đầu tư mới và sản xuất của các doanh nghiệp đang trên đà khôi phục.

Dù kim ngạch xuất khẩu ngành da giày từ đầu năm tới nay được đánh giá khả quan, tuy nhiên các doanh nghiệp đang lo phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Hơn nữa, xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ Công Thương đánh giá, kết quả tích cực của ngành da giày góp sức hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2024. Để ngành da giày cũng như các ngành hàng xuất khẩu tận dụng tốt hơn hiệp định thương mại tự do đã ký kết, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, cần lập nhóm kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu với cơ quan liên quan; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành; tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững…



Source link