‘Bắt bệnh’ sức cạnh tranh của cá tra Việt

Thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu, cá tra vẫn đối diện với nguy cơ lớn Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 1997, xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 1,6 triệu USD, năm 2023 xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, và ước đạt hơn 2 tỷ USD năm 2024. Sản phẩm cá tra từng được xem là ngành hàng độc quyền của nước ta, tuy nhiên không còn “1 mình một chợ”, nhiều quốc gia cũng bắt tay vào nuôi cá tra phục vụ nội địa và giảm nhập khẩu từ thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc. Các nước này đều có lợi thế về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngành cá tra Việt Nam.

Cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu
Cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu

Trung Quốc là điểm đến lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên kể từ năm 2023, Hainan Xiangtai Fishery, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc tuyên bố đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng cá tra để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa tăng cao.

Xây dựng trại sản xuất giống, trung tâm nghiên cứu, dây chuyền chế biến, gia tăng hợp tác, đẩy mạnh truyền thông, phát triển các dịch vụ và đa dạng hóa danh mục sản phẩm theo kênh tiêu dùng khác nhau là các nhiệm vụ mà công ty này đã, đang và sẽ làm để giành thị phần trong chuỗi cung ứng cá tra. Trung Quốc đã nuôi cá tra hơn 7 năm qua, duy trì sản lượng mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn, chủ yếu phục vụ trong nước. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là quốc gia này sẽ giảm nhập khẩu.

Cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, còn các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh chiếm từ 15-21%. Cá tra Ấn Độ ngày càng tăng, song kích cỡ cá rất nhỏ, chủ yếu cung cấp trong nước. Riêng Indonesia, sản lượng không cao nhưng đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông với nhãn hàng riêng và đang tạo uy tín.

Cùng với yếu tố bên ngoài, theo VASEP, một số vấn đề đã tồn tại lâu của ngành cá tra Việt Nam có thể kể đến như: Chất lượng con giống chưa đồng đều, tỷ lệ sống của cá giống thấp, thức ăn, môi trường nuôi, thời tiết, dịch bệnh,…; phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật,..; các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế; việc các thị trường thay đổi chính sách trong khi chi phí sản xuất cá tra ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào, giá vật tư tăng khiến giá thành sản xuất cao, chi phí nhân công tăng, cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra.

Theo báo cáo từ VASEP, giá xuất khẩu cá tra phi lê hiện đạt khoảng 2.000 – 3.500 USD/tấn. Từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu ngành hàng cá tra năm 2025, phấn đấu sản lượng dự kiến 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Không thể phủ nhận độ phủ sóng, sức cạnh tranh và cơ hội thâm nhập sâu hơn vào các thị trường của cá tra Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam đang có lợi thế từ các FTA thế hệ mới, các hiệp định thương mại, khoảng trống từ sự thiếu hụt nguồn cung ở các thị trường và được cả thế giới công nhận về chất lượng thịt cá, nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những khó khăn chung và tận dụng triệt để cơ hội xuất khẩu, cá tra Việt Nam sẽ mãi đứng ở các vị trí phía sau trên bản đồ cá thịt trắng của thế giới. Doanh nghiệp cần tranh thủ thời cơ, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa các sản phẩm khác, bên cạnh phile cá tra đông lạnh, và tối ưu hóa quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng khắt khe kể từ những khâu chọn lọc đầu tiên.



Source link