Xuất nhập khẩu tăng đột phá ở nhiều thị trường trọng điểm

Kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025 cho biết, tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Đây là kết quả rất ấn tượng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam năm qua, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và rủi ro lạm phát vẫn tăng cao tiếp tục tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự tăng trưởng ngoạn mục của hoạt động xuất nhập khẩu đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế. Đáng chú ý, đóng góp vào thành tích xuất nhập khẩu chung cả nước không thể không kể đến sự tăng trưởng đột phá tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta trong năm 2024.

Xuất nhập khẩu tăng đột phá ở nhiều thị trường trọng điểm
Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD. Ảnh: Hùng Dương

Ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương – nhận định, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các khu vực thị trường châu Á, châu Phi. Đây là thành tích hiếm có, bởi các năm trước, có khu vực thị trường tăng, nhưng có thị trường lại giảm. Năm 2024, xuất khẩu sang tất cả các thị trường khu vực Á, Phi đều có sự tăng trưởng.

Cụ thể, trong năm 2024, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Kết quả này đóng góp rất lớn vào kết quả xuất nhập khẩu của toàn ngành Công Thương và của cả nước” – Vụ trưởng Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh.

Tương tự, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương – cũng cho biết, năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường Âu – Mỹ ước đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu ước đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%; nhập khẩu ước đạt 47,9 tỷ USD, tăng 12,6%. Thặng dư thương mại với thị trường châu Âu – châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD.

Tăng trưởng đột phá ở nhiều thị trường

Đáng chú ý, trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường đối tác trọng điểm đều tăng trưởng đột phá, xuất khẩu sang nhiều thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, hai con số.

Như với thị trường Hoa Kỳ, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD, đây cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất đến nay mà nước ta đạt được mốc kim ngạch trăm tỷ đô.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ – cho biết, kết quả trên có được là nhờ những nỗ lực trong công tác tháo gỡ khó khăn, khai mở thị trường của Chính phủ, của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cơ quan liên quan.

Xuất nhập khẩu tăng đột phá ở nhiều thị trường trọng điểm
Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ là hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh: Minh Hưng

Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ là hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng sản phẩm này của Việt Nam. 11 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ đạt khoảng 12,3 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam ra toàn thế giới và 10% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ 2023.

Cũng theo thương vụ, trong ba năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30 – 45%/năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10 – 20%/năm. Vì vậy, Hoa Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam.

Trong khi đó, ở khu vực thị trường châu Á, trong năm 2024, thương mại Việt Nam – Indonesia cũng đã có mức tăng trưởng đột phá hai con số, cao nhất từ trước tới nay.

Ước tính cả năm 2024, tổng kim ngạch song phương đạt ít nhất 16 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt hơn 6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay”, ông Phạm Thế Cường – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia – thông tin và cho biết thêm, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 4 năm trở lại đây từ mức 8,07 tỷ USD năm 2020 lên mức 16 tỷ của năm 2024.

Tương tự như Hoa Kỳ, xuất khẩu nhóm hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng sang thị trường Indonesia, trong đó gạo là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. 11 tháng năm 2024, tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia đạt 1.130.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Với số liệu này, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024.

Hay như với thị trường Philippines, năm 2024 thương mại hai nước Việt Nam – Philippines cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh Việt Nam đang tìm những hướng đi mới cho xuất khẩu hàng hóa, giúp giảm khó khăn, áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt trên 7,3 tỷ USD, bằng 93,6% so với kết quả đạt được trong năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo cả năm 2024, thương mại song phương hai nước sẽ lần đầu tiên vượt mức 8 tỷ USD, đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó, xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Với những kết quả đạt được trong năm 2024, năm 2025 ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.

Hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2025 Bộ Công Thương tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực thi các FTA có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tăng cường khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.



Source link