Đóng hàng lên container là một khâu quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Vậy đâu là cách tính số lượng hàng đóng vào container chính xác để lựa chọn loại container phù hợp và đạt hiệu quả về chi phí cho doanh nghiệp. Hãy cùng Muahangsi.net tìm hiểu cách tính số lượng và thể tích hàng hóa đóng vào container trong bài viết dưới đây!
Các loại container thường dùng trong vận tải Việt Nam
Trong vận tải hàng hóa, những loại container thường được doanh nghiệp sử dụng bao gồm:
- Cont 20ft thường (Container khô): Đây là loại container được sử dụng nhiều nhất, thường được dùng để chứa các loại hàng nặng, chiếm ít diện tích như gạo, bột, xi măng,…
- Cont 20ft cao: Loại này giống cont 20 thường, có công dụng và chức năng giống nhau, tuy nhiên lại ít được sử dụng và có thể thay thế bằng nhiều loại container tốt hơn.
- Cont Open top: Open top là loại container không có nóc hay tự mở nóc, có kích thước như cont bình thường. Loại container này dùng để chở hàng hóa đặc biệt như hàng hóa quá cao ở trên hay hàng hóa cần bốc, dỡ theo đường thẳng đứng. Container Open top có hai kích thước là 20ft và 40ft.
- Cont lạnh: Container lạnh cũng có hai loại là 20ft và 40ft, được dùng để chứa những hàng hóa nhẹ, cần bảo quản ở nhiệt độ thấp. Thông thường, chi phí lưu container lạnh sẽ rất cao. Cont lạnh có thiết bị làm mát chuyên dụng kèm theo vách ngăn cách nhiệt được gia cố.
- Container Flat rack: Loại container đặc biệt này thường được sử dụng để vận chuyển hàng quá khổ, siêu trường, siêu trọng tùy theo khối lượng và kích thước của lô hàng. Đặc điểm đặc biệt của loại container này là không có mái và vách, chiều cao chỉ 1,95m do phải gia cố gầm. Thông thường chở hàng quá khổ sẽ sử dụng cont flat rack 20ft, tuy nhiên trong trường hợp hàng có chiều dài trên 6m thì bắt buộc phải dùng cont flat rack 40ft.
- Cont 40ft khô: Loại container này có kích thước lớn, phù hợp cho những mặt hàng yêu cầu thể tích lớn nhưng có khối lượng thấp. Ưu điểm của loại container 40ft là thể tích chứa hàng gấp đôi so với cont 20ft nhưng chi phí chỉ hơn 30-40%.
- Cont 40ft cao: Ưu điểm của loại container này là có thể tích và chiều cao lớn, phù hợp để chứa những mặt hàng có chiều cao lớn. Container 40ft cao thường được ưa chuộng hơn cont 40ft thông thường vì có thể chở được nhiều loại hàng hơn mà lại có mức phí tương đương.
Cách tính số lượng hàng đóng vào container
Việc tính số lượng hàng đóng được vào container phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại hàng, phương pháp đóng hàng, có chèn lót hay không,… Nếu như doanh nghiệp quan tâm hàng hóa của mình có thể đóng được tối đa bao nhiêu lên một container, thì có thể tham khảo công thức tính dưới đây:
Cont 20’: Số lượng = 28 / Thể tích kiện (m3)
Cont 40’: Số lượng = 60 / Thể tích kiện (m3)
Cont 40’ cao: Số lượng = 68 / Thể tích kiện (m3)
Trong đó: Thể tích kiện (m3): Dài x Rộng x Cao
Ví dụ: Một kiện hàng có kích thước (m): Dài: 1,2; Rộng: 0,6; Cao: 0,6
Có thể tích kiện = 1,2 x 0,6 x 0,6 = 0,432 (m3)
Từ đó ta có số lượng kiện có thể đóng tối đa trong cont 40’ = 60 / 0,432 = 138,8 nghĩa là khoảng 139 kiện.
Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết, trên thực tế số lượng hàng hóa khi xếp lên container có thể thừa hoặc thiếu tùy theo tình trạng, đặc điểm của hàng hóa và cách xếp hàng.
Cách tính thể tích hàng khi đóng vào container
Cách tính CBM
CBM (Cubic Meter) có nghĩa là “mét khối”, là đơn vị dùng để đo khối lượng và kích thước hàng hóa và tính chi phí vận chuyển. Đơn vị CBM được sử dụng trong hầu hết các phương thức vận chuyển hàng hóa như đường bộ, đường biển, đường hàng không,… Khi tính CBM, các đơn vị vận chuyển có thể quy đổi CBM sang trọng lượng (kg) để áp dụng bảng giá vận chuyển cho các mặt hàng khác nhau.
Công thức tính CBM đơn vị mét khối (m3) như sau:
CBM = (Dài x Rộng x Cao) x Số lượng
Tỷ lệ quy đổi CBM sang Kg ở mỗi phương thức vận chuyển lại khác nhau:
- Đường bộ: 1CBM tương đương 333kg.
- Đường biển: 1CBM tương đương 1000kg.
- Đường hàng không: 1CBM tương đương 167kg.
Cách tính cước đối với các loại hàng hóa
Khi tính cước, các đơn vị vận chuyển sẽ so sánh giữa thể tích (m3) và trọng lượng (kg) để quyết định hàng hóa của doanh nghiệp sẽ áp dụng theo bảng giá nào. Cụ thể:
- Nếu 1 tấn < 3 CBM => đây là hàng nặng, tính cước theo bảng giá kg.
- Nếu 1 tấn >= 3 CBM => đây là hàng nhẹ, tính cước theo bảng giá CBM.
Ví dụ: Doanh nghiệp có 10 thùng hàng có trọng lượng cân được là 600kg và có kích thước 0,7 x 0,6 x 0,5 lần lượt là Dài x Rộng x Cao (m). Để xác định lô hàng này sẽ được tính cước vận chuyển dựa trên trọng lượng hay thể tích, ta có thể tính như sau:
Trọng lượng: 600kg = 0,6 tấn
Thể tích: (0,7 x 0,6 x 0,5) x 10 = 2,1 CBM
=> Kết quả quy đổi: 1 tấn = 2,1 CBM / 0,6 = 3,5 CBM > 3 CBM => Hàng nhẹ, áp dụng bảng giá CBM
Tuy nhiên, để biết chính xác đơn vị tính cước vận chuyển của hàng hóa, doanh nghiệp nên liên hệ tới các công ty vận chuyển hoặc đại lý vận chuyển hàng hóa để được tư vấn và báo giá chính xác nhất.
Trên đây là toàn bộ bài viết về cách tính số lượng hàng đóng vào container mà Muahangsi.net muốn gửi tới cho các doanh nghiệp. Mong rằng bài viết trên đã giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách tính thể tích hàng khi đóng vào container từ đó xác định được cách xác định cước vận chuyển hàng hóa. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với mức phí rẻ nhất, hãy liên hệ tới Muahangsi.net qua hotline 0906.943.668 để được tư vấn và báo giá chi tiết!