Xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng gấp 28 lần về khối lượng và 34 lần về giá trị trong 1 thập kỷ qua, kể từ năm 2013. Năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, kim ngạch đạt 790 triệu USD, tăng 30% về lượng và 67% về giá trị so với năm 2021.
Đầu năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau thời gian “sốt” (năm 2022), xuất khẩu viên nén đã suy giảm trong năm 2023.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU VIÊN NÉN GIẢM 14%
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), giá trị xuất khẩu viên nén tháng 11/2023 chỉ đạt 58 triệu USD, lũy lế 11 tháng đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Forest Trends với tựa đề “Ngành viên nén gỗ Việt Nam: Thực trạng và tương lai” cho biết trong 3 quý đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt 2 triệu tấn, tương đương gần 82% lượng xuất khẩu vào thị trường này năm 2022. Trong khi đó, lượng viên nén xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng trong 3 quý chỉ đạt gần 1,3 triệu tấn, tương đương 56% lượng xuất vào thị trường này trong cả năm 2022.
Lượng viên nén của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.
“Tại thị trường Hàn Quốc, dư địa phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai không nhiều. Hiện một số doanh nghiệp của Hàn Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vẫn tiếp tục mua nguồn viên nén từ Nga. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng nguồn cung từ Nga”, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Forest Trend nhận định.
Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc, cho biết các nhà mua lớn của Hàn Quốc đang bắt đầu đòi hỏi các bằng chứng về truy xuất nguồn gốc. Theo đánh giá của các doanh nghiệp này, trong 4 – 5 năm tới, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là bắt buộc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc.
Đối với thị trường Nhật Bản, TS Tô Xuân Phúc cho rằng ngành viên nén Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Viên nén xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản luôn đòi hỏi phải có chứng chỉ bền vững. Theo đánh giá của các doanh nghiệp viên nén, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Nhật Bản sẽ mở rộng gấp 3 lần so với hiện tại. Hiện Việt Nam đang cung khoảng 80% viên nén cho thị trường này. Cơ hội mở rộng thị phần tại đây là rất lớn.
“Nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ và do vậy không đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thay thế nguồn cung viên nén từ Indonesia”
TS. Tô Xuân Phúc, Forest Trends.
Nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất viên nén hiện là các phần phụ phẩm của ngành chế biến gỗ và của nguồn gỗ rừng trồng. Do là phụ phẩm, phần nguyên liệu này thường không được đánh giá cao về giá trị kinh tế. Tại một số địa phương nơi chưa có sự hiện diện của cơ sở sản xuất viên nén, phần phụ phẩm này thậm chí đang được đốt bỏ.
Thế nhưng, Forest Trends cho rằng hiện nay ngành viên nén chưa nhận được cơ chế, chính sách nào nhằm thúc đẩy ngành phát triển bền vững. Các doanh nghiệp ngành viên nén xứng đáng để nhận được các cơ chế, chính sách dành riêng. Các cơ chế, chính sách có thể là những hỗ trợ trực tiếp dành cho các doanh nghiệp sản xuất, ví dụ ưu đãi trong tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai…
MUỐN MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG CẦN LIÊN TỤC ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Theo TS Tô Xuân Phúc, một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu viên nén là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Muốn giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.
Mỗi quyết định cấp phép cho các dự án sản xuất viên nén cần dựa trên sự tính toán, đảm bảo công suất chế biến của các doanh nghiệp sử dụng cùng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào (nguồn gỗ rừng trồng) không vượt quá khả năng cung nguyên liệu của vùng.
“Quyết định này cũng đòi hỏi những tính toán về mối tương tác và cạnh tranh giữa các hợp phần chế biến của các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng – bao gồm các cơ sở chế biến đồ gỗ, ván bóc, ván ép, dăm, viên nén… Điều này sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp trong ngành viên nén (và trong các hợp phần khác của ngành gỗ) phát triển bền vững hơn”, TS Phúc nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường nhu cầu viên nén gỗ trên toàn cầu đang và sẽ có tốc độ độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,85% trong giai đoạn 2022-2027. Dự báo, nhu cầu thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt giá trị 17,33 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Bởi sở hữu các ưu điểm như giúp giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng so với các loại nhiên liệu hóa thạch.
Grand View Research cho biết các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm các giải pháp để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, như than, dầu, và khí. Đây chính là nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường viên gỗ nén trong sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là ở khu vực châu Âu.
Tuy nhiên, Grand View Research nhận định: Việc áp dụng và triển khai ngày càng nhiều các nguồn năng lượng tái tạo thay thế như quang điện mặt trời, năng lượng gió và địa nhiệt ở các khu vực khác nhau trên thế giới có khả năng cản trở sự tăng trưởng của thị trường viên nén trong tương lai.
Mặt khác trên thế giới, công nghệ sản xuất viên gỗ nén đang được cải tiến, đổi mới hàng ngày theo hướng tăng hiệu suất, giảm chi phí và giảm lượng phát thải. Các thiết bị mới như máy ép, máy sấy và máy đóng gói đã được áp dụng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.
Công nghệ viên gỗ nén cũng đã được nâng cấp để tăng hiệu quả chuyển đổi năng lượng, giảm lượng tro và khí thải. Với những diễn biến này, thị trường xuất khẩu viên nén trong những năm tới sẽ cạnh tranh khốc liệt về công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Nếu các doanh nghiệp sản xuất viên nén tại Việt Nam chậm đổi mới công nghệ theo hướng giảm giá thành, tăng hiệu suất nhiệt lượng, giảm lượng phát thải, thì nguy cơ sẽ bị nhiều nước “qua mặt” giành lấy thị trường xuất khẩu viên nén. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất viên nén là vấn đề rất quan trọng để giữ được thị trường xuất khẩu và mở rộng thị trường.
Source link