Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã hạn chế đà tăng giá cà phê xuất khẩu

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tạo đỉnh mới Chịu tác động từ sự thay đổi của đồng USD và tỷ giá USD, giá cà phê xuất khẩu biến động

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 29/1 – 4/2, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá Robusta giảm gần 1% sau ba tuần tăng liên tiếp. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có tín hiệu hạ nhiệt đã hạn chế đà tăng giá Robusta.

Những phản hồi tích cực từ phía Hamas về thỏa thuận ngừng bắn của Israel vào tuần trước được kỳ vọng sẽ là một bước đệm quan trọng trong quá trình hòa giải xung đột. Điều này mang hi vọng tích cực về vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ, con đường huyết mạch của thương mại cà phê trên tuyến Á-Âu.

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã hạn chế đà tăng giá cà phê xuất khẩu
Giá Robusta giảm gần 1% sau ba tuần tăng liên tiếp

Dù vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU giảm về mức thấp lịch sử với 27.780 bao tính đến ngày 1/2 khiến lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung vẫn hiện diện trên thị trường.

Giá Arabica cũng ghi nhận mức giảm tương tự như Robusta, đóng cửa tuần giá giảm 0,98% so với tham chiếu. Sức ép từ chênh lệch tỷ giá, kết hợp cùng sự biến động của nguồn cung khiến giá đảo chiều sau hai tuần tăng liên tiếp.

Đồng USD mạnh lên trong tuần qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất 5,25 – 5,5% trong cuộc họp tháng 1 và bác bỏ kịch bản cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Điều này kéo tỷ giá USD/BRL tăng 1,08%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng, thúc đẩy tâm lý bán cà phê của nông dân Brazil do thu về nhiều ngoại tệ hơn.

Bên cạnh đó, dù nhiều biến động nhưng dữ liệu tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE-US tuần qua vẫn tăng 17.684 bao. Điều này cho thấy sự cải thiện nhất định trong dữ liệu nguồn cung ở hiện tại, từ đó gia tăng sức ép lên giá.

Theo các chuyên gia, nguồn cung vẫn căng thẳng do trong tuần này Việt Nam sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy, tồn kho cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe, tính đến ngày 02/02 đã giảm 2.300 tấn, tức giảm 7,65 % so với một tuần trước đó, xuống còn 27.780 tấn (khoảng 463.000 bao, bao 60 kg). Đây là mức dự trữ thấp nhất trong 15 năm qua.

Do đó, giá cà phê Robusta sẽ vẫn được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ yếu tố căng thẳng nguồn cung. Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng địa chính trị tại khu vực Biển Đỏ vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động vận chuyển cà phê từ khu vực Đông Nam Á sang châu Âu. Tuy vậy, một số nhà phân tích nhận định giá cà phê Robusta đã chạm đỉnh và khó tăng cao trong trung hạn.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), đối với quy định của Nghị viện châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất trong việc thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo vệ thiên nhiên.

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã hạn chế đà tăng giá cà phê xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu cà phê kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính từ sau năm 2000 Việt Nam chỉ có 220 ha bị ảnh hưởng bởi vấn đề truy xuất nguồn gốc liên quan đến phá rừng. Do đó, ảnh hưởng của cà phê Việt Nam đối với vấn đề chống phá rừng là rất nhỏ.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, việc đáp ứng quy định của EU không phải là quá khó. Quan trọng là EU sử dụng công cụ gì để Việt Nam có thể cung cấp các tài liệu nhằm đảm bảo khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ không xảy ra sự cố.

Việt Nam là quốc gia có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Riêng sản lượng cà phê Robusta, nước ta đứng đầu thế giới.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới cà phê đang trong cơn “bão giá” vì mất cân bằng cung – cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nên hưởng lợi.

Ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam thông tin: “Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”. Thực tế cho thấy, năm qua các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cà phê năm 2024 sẽ giảm xuống mức 1,66 triệu tấn. Song, kim ngạch xuất khẩu cà phê kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao.



Source link