Giá cà phê xuất khẩu đảo chiều tăng trở lại, tồn kho xuống thấp kỷ lục Lo ngại khô hạn tại Brazil và tồn kho trên sàn thấp giúp giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại |
Giá cà phê tăng lần lượt 2,27% với Arabica hợp đồng tháng 3 và 3,24% với Robusta hợp đồng tháng 5. Theo đánh giá, lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường là nguyên nhân chính đẩy giá tăng.
Xung đột trên Biển Đỏ có tín hiệu căng thẳng gia tăng. Điều này khiến chuỗi cung ứng cà phê từ châu Á sang Mỹ và châu Âu gián đoạn kéo dài. Do đó, lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ được đẩy lên cao, đặc biệt khi tồn kho tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu đang thấp kỷ lục.
Trong báo cáo kết phiên 8/2, tổng lượng Robusta đang lưu trữ tại Sở ICE-EU chỉ ở mức 25.140 tấn, giảm 2.640 tấn so với tuần trước, đây cũng là một trong những mức tồn kho thấp kỷ lục trong lịch sử.
Giá cà phê xuất khẩu có xu hướng tăng trở lại |
Giá Arabica tăng nhẹ hơn Robusta nhờ tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường. Chính phủ Brazil cho biết nước này đã xuất đi gần 223.980 tấn cà phê hạt trong tháng 1/2024, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Liên đoàn Cà phê Colombia thông báo đã xuất khẩu 935.000 bao, cao hơn 12,4% so với tháng 1/2023.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (11/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 1.200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua dao động ở mức 78.900 – 80.000 đồng/kg.
Tuần qua, thị trường cà phê trong nước tăng cao, từ 1.100 – 1.200 đồng, cán mốc 80.000 đồng/kg, do các nguồn cung bị chậm trễ vì vấn để vận tải hàng hải quốc tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 1 ước đạt 210.000 tấn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu 4 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 ước đạt 580.600 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Ở thị trường thế giới, giá cà phê Robusta mức tăng khá. khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Thị trường New York có 3 phiên giảm đan xen 2 phiên tăng giữa tuần, khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê có xu hướng tăng trở lại do giá trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, vụ cà phê này được Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam dự báo sản lượng tiếp tục giảm khoảng 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, cây ăn trái khác. Thị trường khởi sắc có thể sẽ khiến người dân thu hái cà phê khi còn xanh, chưa đạt chất lượng về độ chín khi mới đầu vụ.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc người dân thu hái quả chưa chín có thể do giá cà phê đang cao nên thu hái sớm để tránh mất trộm, nhất là tại các nương cà phê xa khu dân cư, khó bảo vệ.
Cục Trồng trọt cho biết, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, song nhờ năng suất cao nhất thế giới nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75-1,85 triệu tấn.
Trong tổng số hơn 710.000 ha, Việt Nam mới chỉ có hơn 185.000 ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận: Utz Certified, Rainforest, 4C, VietGAP…
Hiện thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản… Cà phê Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường có tiềm năng lớn với sức mua cao, tốc độ nhập khẩu cà phê tăng bình quân hơn 25%/năm. Giới trẻ nước này ngày càng thích cà phê hơn trà.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư vào đa dạng hóa sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.