Vì sao xuất khẩu gạo sang Pháp tăng đột biến tới 184 lần về giá trị

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục từ năm 2023 đến nay, thậm chí có thời điểm cao nhất thế giới. Bước sang năm 2024, ngành lúa gạo tiếp tục đón tin vui khi có quốc gia đang mua gạo Việt với giá hơn 1.000 USD/tấn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm đạt 512.265 tấn, trị giá 362,3 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 42,8% về lượng và tăng tới 94,5% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 707 USD/tấn, tăng nhẹ 3% so với tháng 12/2023.

Trong tháng 1, Philippines tiếp tục thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 280.944 tấn, giá gạo trung bình xuất khẩu sang thị trường này đạt 691 USD/tấn.

Đáng chú ý, Pháp bất ngờ vượt qua Indonesia và Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam. Theo đó, Pháp đã chi 18,64 triệu USD để mua 17.919 tấn gạo trong tháng 1/2024, gấp 164 lần về lượng và gấp 184 lần về trị giá so với tháng trước. Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Vì sao xuất khẩu gạo sang Pháp tăng đột biến tới 184 lần về giá trị
Xuất khẩu gạo vào Pháp tăng đột biến trong tháng 1/2024

Với kết quả trên, Pháp vươn lên đứng thứ tư về lượng và thứ hai về kim ngạch nhập gạo của Việt Nam với thị phần chiếm lần lượt là 3,5% và 5,1%.

Gạo thơm là chủng loại được Pháp nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam trong tháng 1, chiếm 97% tỷ trọng, còn lại 2% là gạo trắng và 1% là gạo Nhật. Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân sang thị trường Pháp lên đến 1.040 USD/tấn – mức cao nhất trong số các thị trường mua gạo Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng đầu năm tăng vọt cho thấy các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam đã được người tiêu dùng tại Pháp đánh giá cao. Và mức giá 1.040 USD/tấn là mức rất cao trong những năm qua. “Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng”, ông Có cho biết.

Cũng theo ông Có, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU nói chung và thị trường Pháp nói riêng đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.

Năm 2023, xuất khẩu gạo sang EU đạt gần 104.000 tấn, thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch mà EU cam kết dành cho Việt Nam theo Hiệp định EVFTA.

Riêng với thị trường Pháp – đây là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai trong khối EU, chiếm tới 35% tổng lượng gạo xuất khẩu vào EU của Việt Nam. Năm 2023 nước này nhập khẩu tổng cộng gần 600.000 tấn gạo từ thế giới, trong đó Việt Nam là nguồn cung gạo lớn thứ 10, và chiếm 3,2% thị phần.

Tuy nhiên, theo ông Có, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu không đáng kể so với tổng lượng hàng sản xuất. Bên cạnh đó, việc giá gạo Việt Nam quá cao một thời gian dài như vừa qua đã làm mất nhiều hợp đồng cho các giao dịch trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2024.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), xuất khẩu gạo đạt 150.944 tấn với giá trị 104,34 triệu USD. Kết quả trên nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 15/2 lên 663.209 tấn với giá trị 466,6 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ.



Source link