Giá hạt điều xuất khẩu đang có xu hướng giảm

Xuất khẩu hạt điều: Đẩy mạnh chế biến sâu để tận dụng các FTA Xuất khẩu điều đối diện thách thức mới, ứng phó ra sao?

Tăng lượng, giảm giá giá trị

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), cả nước xuất khẩu 11.836 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 64,2 triệu USD.

xuất khẩu điều
Giá hạt điều xuất khẩu đang có xu hướng giảm

Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng hạt điều xuất khẩu đạt 76.978 tấn, kim ngạch đạt 415,4 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng hạt điều xuất khẩu tăng 80,4% nhưng kim ngạch chỉ tăng 70,24%. Như vậy, ngay trong những tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thấp hơn so với lượng nên trị giá điều xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong hơn 1 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá điều bình quân đầu năm nay đạt gần 5.400 USD/tấn, trong khi cùng kỳ 2023 đạt gần 5.720 USD/tấn (giảm khoảng 320 USD/tấn).

Tuy thị trường đang diễn biến thuận lợi, nhưng ngành điều Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Trước hết là tình trạng giá điều nhân xuất khẩu vẫn chưa tốt, thậm chí có xu hướng giảm đầu năm nay.

Trong tháng 1, giá điều nhân xuất khẩu đạt bình quân 5.311 USD/tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã dẫn tới tuy cùng tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng về kim ngạch thấp hơn so với tăng trưởng về lượng xuất khẩu.

Giá điều thô ở mức chưa phù hợp với giá điều nhân, cũng đang là mối lo lớn với ngành điều. Nguyên nhân trước hết của tình trạng này là do một số sản xuất điều thô ở châu Phi, do muốn phát triển chế biến trong nước, đã quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với điều thô, áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu. Điều này khiến cho nhiều nhà xuất khẩu không thể giảm giá bán điều thô cho phù hợp với giá điều nhân trên thị trường thế giới.

Sự phát triển chế biến ở nhiều nước xuất khẩu điều thô, cũng đang từng bước tạo áp lực cho ngành điều Việt Nam, từ việc ngày càng khó mua điều thô hơn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường điều nhân toàn cầu.

Như tại Bờ Biển Ngà hiện đang đẩy mạnh phát triển chế biến điều với mục tiêu sẽ chế biến được 500 – 600 nghìn tấn điều thô/năm, tương đương với gần một nửa sản lượng điều thô. Còn tại Campuchia, hiện mới chỉ có khoảng 5% lượng điều thô được chế biến ở trong nước. Campuchia đang thu hút các nhà đầu tư để nâng tỷ lệ điều thô được chế biến.

Thị trường đang diễn biến thuận lợi

Các doanh nghiệp trong ngành nhận định, năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng mạnh trở lại và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Theo ông Michael Waring – Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC), ngoại trừ việc suy giảm trong năm 2022, nhìn chung nhu cầu tiêu thụ hạt các loại hạt (trong đó có hạt điều) vẫn đang có xu hướng tăng trên toàn cầu.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55,23% so với năm 2022, chiếm 18,7% kim ngạch xuất khẩu điều của nước ta. Đây cũng là thị trường tăng ấn tượng nhất trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Bà Chen Ying – Tổng Thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA), cho biết, nhu cầu nhập khẩu các loại hạt đang có xu hướng tăng lên từ năm 2019 đến nay, kể cả khi nền kinh tế nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch Covid-19. Trong các loại hạt đang được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Riêng với hạt điều, 70% lượng hàng đến từ Việt Nam.

Trong bối cảnh giá điều xuất khẩu đang giảm, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp không nên vội vàng mua điều thô dự trữ với khối lượng lớn ngay từ đầu vụ khi mà sản lượng điều năm nay được dự báo là khá dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh, đợi khi giá điều thô ở mức hợp lý mới tiến hành mua, và chỉ nên mua điều thô khi đã có hợp đồng xuất khẩu điều nhân để cân đối được giá thành.

Ông Vũ Thái Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn – cho rằng, tổng công suất các nhà máy chế biến điều Việt Nam hiện đã quá lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn cắt giảm công suất chế biến để giảm áp lực điều thô của từng nhà máy cũng như của cả ngành điều. Khi áp lực nhập khẩu điều thô giảm, sẽ khiến cho giá điều thô phải giảm xuống ở mức hợp lý hơn. Đồng thời, áp lực tài chính của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống, qua đó, giúp cho doanh nghiệp không phải ồ ạt bán điều nhân như trong năm qua. Điều này có thể góp phần làm cho giá điều nhân tăng trở lại.



Source link