Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu khởi sắc
Theo thống kê của Sở Công Thương Quảng Ninh, từ ngày 1/1-30/9/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,52 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,63 tỷ USD; hoạt động trao đổi cư dân biên giới đạt 0,37 tỷ USD.
Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Dăm gỗ, than, nông, lâm, thủy sản…; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc, thiết bị, vải may mặc, tạp hóa, nguyên liệu gia công.
Giao thương qua cửa khẩu Móng Cái có nhiều khởi sắc (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, tại Quảng Ninh, việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Trung Quốc đang được tích cực đẩy mạnh với nhiều hoạt động hiệu quả. Nổi bật là tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã tăng cường công tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các hoạt động giao thương, thúc đẩy liên kết vùng và trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Theo đó, hai tỉnh – khu tiếp tục thực hiện vận hành hiệu quả cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc), cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc); sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa cửa khẩu Ka Long (Móng Cái, Việt Nam) – Bến Biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); tích cực phối hợp triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Đồng thời, hai bên phối hợp triển khai các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai bên, ưu tiên thông quan nhanh, thông quan trước đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc là hàng nông, lâm, thủy hải sản.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc qua các chương trình hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung; hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO)… Nhiều sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh đã được giới thiệu, trưng bày tại các kỳ hội chợ như: Trà hoa vàng Ba Chẽ; trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà); ruốc hàu, ruốc tôm… (BAVABI); rượu mơ Yên Tử; miến dong Bình Liêu…
Còn theo Ban quản lý Cửa khẩu Móng Cái, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, thành phố Móng Cái đã chủ động triển khai và chỉ đạo các ngành khối cửa khẩu phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, đồng hành, thu hút doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa và xuất nhập cảnh diễn ra thuận lợi, an toàn, thông suốt.
Ngoài ra, UBND thành phố thường xuyên hội đàm với Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp mới, thúc đẩy hoạt động kinh tế thương mại biên giới, giao lưu du lịch.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn duy trì tốt việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, quản lý chặt chẽ địa bàn, cư dân biên giới, không để hình thành các điểm nóng trên địa bàn, không xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ…
Song song với đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cũng triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan qua cửa khẩu.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Những tháng cuối năm 2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái xác định sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục hải quan, phân loại áp mã HS ngay từ khi tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thủ tục hải quan tại cửa khẩu, lối mở.
Tích cực vận động doanh nghiệp thực hiện đánh giá trên Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan; tăng tỷ lệ và chất lượng phiếu đánh giá đồng đều tại tất cả các tiêu chí để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hàng vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chủ động tổ chức các buổi làm việc, trao đổi định kỳ với Hải quan Đông Hưng (Trung Quốc) để thông tin về tình hình, hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi kinh nghiệm quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bên, hướng tới tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Về phía Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tăng cường trao đổi, làm việc với các đại lý, doanh nghiệp của Trung Quốc muốn tìm hiểu về các sản phẩm đặc trưng và dịch vụ du lịch tiêu biểu của Quảng Ninh để hướng dẫn các doanh nghiệp làm việc, ký kết các thỏa thuận hợp tác. Đẩy mạnh ngành nghề hóa, tiêu chuẩn hóa và thương hiệu hóa sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản. Khuyến khích doanh nghiệp của tỉnh tăng cường chia sẻ thông tin về nhu cầu, tiềm năng để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu…