Thúc đẩy thương mại biên giới, tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam

Việt Nam – Lào ký kết Hợp đồng xây dựng tuyến băng tải vận chuyển than Lalay xuyên biên giới Thắt chặt tình đoàn kết quốc phòng Việt Nam – Lào qua giao lưu hữu nghị biên giới

Thương mại Việt – Lào không ngừng khởi sắc

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Lào ngày càng khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Với tiềm năng phát triển lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây, Chính phủ hai nước luôn đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10%-15%/năm mà còn hướng đến phát triển ổn định bền vững.

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông, cũng như gần gũi về văn hóa và tiêu dùng. Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…

Thúc đẩy thương mại biên giới, tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Lào
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kết nối thương mại Việt Nam – Lào (Ảnh: Báo Dân tộc)

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 09 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lào tiếp tục duy trì cán cân thương mại thặng dư với Việt Nam. Xuất khẩu sang Lào đạt 491,9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Lào đạt 1 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng hết sức khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Lào vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Lào gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ…

Tuy nhiên, hiện kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Do đó, để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương hai nước thay mặt Chính phủ hai bên ký kết vào ngày 8/4/2024. Hiệp định bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.

Gia tăng thương mại biên giới, đẩy mạnh thương mại song phương

Để tăng cường thương mại Việt – Lào, đặc biệt là thương mại biên giới, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian tới, các đơn vị cần tập trung thực hiện tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các Điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản mới được ban hành.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào cần dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ lực của hai nước. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn trước mắt, mặt hàng xuất khẩu sang Lào vẫn là sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ…. các mặt hàng nhập khẩu chính từ Lào chủ yếu vẫn là cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản.

Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; phân cấp hợp lý về quản lý hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới cho địa phương các tỉnh biên giới.

Để thúc đẩy thương mại biên giới hai nước, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1247/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Kế hoạch).

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Bản ghi nhớ).

Đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương biên giới Việt Nam và giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của Lào trong việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ thông qua Cơ quan đầu mối của hai nước.

Góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa 2 hai nước. Làm cơ sở cho các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh biên giới.

Kế hoạch nêu rõ, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Lào cho các cá nhân, tổ chức và thương nhân Việt Nam và Lào trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, ấn phẩm, chuyên trang liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn liên quan đến nội dung Bản ghi nhớ.

Song song với đó, nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào; hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới. Thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào.

Rà soát các loại hình hạ tầng thương mại biên giới cần nâng cấp, cải tạo và danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng. Cơ quan đầu mối trao đổi thống nhất với phía Lào danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên xây dựng phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương biên giới theo từng giai đoạn; lựa chọn ít nhất 01 loại hình hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng để báo cáo Chính phủ quyết định.

Kế hoạch cũng chỉ ra, hai bên tiếp tục trao đổi, thống nhất tăng cường các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Lào định kỳ ít nhất 01 lần 01 năm.

Triển khai khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới theo quy định hiện hành.

Xây dựng cơ chế kết nối thông tin giữa thương nhân với cư dân biên giới hoạt động tại khu vực biên giới; kết nối thương nhân Việt Nam với thương nhân Lào.

Tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo, phát triển nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ thương nhân đầu tư, kinh doanh tại khu vực biên giới; Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào là cơ quan đầu mối hai Bên phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh biên giới hai Bên thực hiện Bản ghi nhớ.



Source link