Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể vượt 60 tỷ USD

9 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD Trung Quốc: Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam

Nhiều mặt hàng ghi nhận tăng trưởng 2 con số

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; nhập khẩu 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể vượt 60 tỷ USD
Rau quả – điểm sáng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm

Với mặt hàng gạo, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 6,96 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 4,35 tỷ USD, tăng 23%.

Trong 9 tháng qua, gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 5,06 triệu tấn, chiếm 73% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 241.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước.

Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu 9 tháng năm 2024 ghi nhận tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu quả sầu riêng tăng cao. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 5,64 tỷ USD, tăng 33,9% (tương ứng tăng 1,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 2,66 tỷ USD, tăng 63,7%, tương ứng tăng 1,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu quả thanh long (mã HS 0810.90.92) lại chỉ đạt 375 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, 9 tháng qua, hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 3,79 tỷ USD, tăng 37,8% (tương ứng tăng 1,04 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tổng cục Hải quan thông tin thêm, lượng xuất khẩu cà phê trong 9 tháng năm 2024 giảm nhưng đơn giá bình quân tăng mạnh. Cụ thể, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,11 triệu tấn, giảm 11,7%. Đơn giá bình quân xuất khẩu nhóm hàng này tăng tới 56% nên trị giá đạt 4,31 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến xuất khẩu sẽ vượt đích

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, 9 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là cơn bão số 3.

Cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại kinh tế ước trên 81.500 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 30.800 tỷ đồng, chiếm 38%. Chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 3.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rất quyết liệt các đơn vị trực thuộc Bộ và địa phương triển khai công tác phòng, chống và khôi phục sản xuất, đặc biệt là các tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

“Sau cơn bão số 3, khoảng 170.000 ha rừng bị gãy đổ, hiện đang chuẩn bị giống để đầu năm sau trồng được ngay. Về sản xuất trồng trọt, các tỉnh phía Bắc thiệt hại khoảng 300.000 – 400.000 tấn, tuy nhiên hết 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng vẫn đạt 34,01 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn tháng 10 sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên nếu mất 300.000 – 400.000 tấn trong tổng sản lượng 43,3 triệu tấn thì vẫn đủ đảm bảo 40 triệu tấn”, ông Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, về chăn nuôi, đến hết tháng 9/2024, sản lượng thịt vẫn đạt 6,13 triệu tấn thịt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt 7,02 triệu tấn, trong đó cả nuôi trồng và khai thác đều tăng nhẹ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến hết tháng 9/2024 đã đạt 7,23 tỷ USD, riêng tháng 9 đạt hơn 900 triệu USD, như vậy khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD như đã đề ra.

Vừa qua, các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng sau bão số 3 như Hải Phòng, Quảng Ninh, đặc biệt tại Vân Đồn đã được Cục Thủy sản trực tiếp giao vật tư, con giống, thức ăn… để hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Riêng với xuất khẩu, Thứ trưởng nhấn mạnh, khi mưa bão xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận định, những tỉnh miền núi phía Bắc về cơ bản là tự cung tự cấp nên không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng tháng 9 đã đạt 5,85 tỷ USD. Đặc biệt thặng dư thương mại toàn ngành đã đạt 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng thặng dư của cả nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể đạt 60 – 61 tỷ USD.

Riêng với mặt hàng rau quả, với những diễn biến lạc quan từ thị trường cũng như kết quả đạt được đến hết quý III/2024, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu rau quả cả năm 2024 sẽ đạt và vượt con số 7 tỷ USD, vượt mục tiêu đã đề ra.

“Chỉ còn hơn 2 tháng để về đích, còn nhiều việc phải vượt qua. Thời gian tới, cần tiếp tục động viên khôi phục sản xuất; đẩy mạnh các mô hình tốt của những tỉnh không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, từ Bắc Trung bộ trở vào đến đồng bằng sông Cửu Long; cố gắng chống buôn lậu để bảo vệ và thúc đẩy tăng trưởng, sắp tới sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu tôm hùm giống”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.



Source link